Thiếu oxy khi ngủ xảy ra do lượng oxy được nạp vào cơ thể giảm, trong khi nồng độ CO2 trong máu tăng, gây mất bão hòa oxy máu. Thạc sĩ, bác sĩ Đào Phương Thúy, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, những người thiếu oxy khi ngủ có thể không biết giấc ngủ của mình bị gián đoạn, vẫn nghĩ họ ngủ ngon suốt đêm. Thực chất, khi oxy máu giảm sẽ xuất hiện cơn thức giấc ngắn, khoảng ba giây, khiến người bệnh không nhận biết có thức giấc. Hầu hết trường hợp không phát hiện sớm cho đến khi tiếng ngáy bất thường khiến người bên cạnh chú ý.
Thiếu oxy khi ngủ kích hoạt dây thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng nhịp tim, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến các mạch máu não. Trong thời gian ngắn, thiếu oxy có thể ảnh hưởng đến sự tập trung, giảm chất lượng công việc, tăng nguy cơ tai nạn giao thông và lao động. Ở trẻ nhỏ, điều này có thể dẫn đến suy giảm nhận thức, hạn chế sự phát triển, chậm tăng cân, tăng động giảm chú ý.
Theo bác sĩ Thúy, thiếu oxy khi ngủ lâu dài có thể gây nên một loạt rối loạn chuyển hóa, tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim mạch. Tình trạng làm tăng nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch trong đêm như rung nhĩ, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết não, đột quỵ. Khi thiếu oxy khi ngủ, người bệnh thường ngủ ngáy hoặc ngưng thở khi ngủ, ngủ không ngon giấc, thường xuyên thức giấc nhiều lần trong đêm. Lúc này mô cơ quan bị thiếu oxy cần thiết để hoạt động, gây mệt mỏi vào buổi sáng, chóng mặt, đau đầu khi thức dậy, thiếu tập trung, giảm chú ý, buồn ngủ vào ban ngày, suy giảm trí nhớ, dễ cáu gắt, giảm ham muốn tình dục.
Một số người thường xuyên có mức oxy trong máu thấp hơn khi ngủ như người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen suyễn. Người sống ở vùng cao có thể có độ bão hòa oxy thấp hơn mức trung bình. Một số người bị rối loạn cơ ngực hoặc dây thần kinh có thể hạ huyết áp mạn tính, khiến nồng độ oxy trong máu giảm vào ban đêm.
Nữ giới sau mãn kinh, nam nữ trên 60 tuổi, người thừa cân béo phì, tăng huyết áp, nghiện bia rượu và thuốc lá, tiểu đường, bất thường vùng mũi họng hoặc chứng ngưng thở khi ngủ do đường thông khí tắc nghẽn (OSA) cũng dễ thiếu oxy khi ngủ. Trong đó, OSA là tình trạng đường hô hấp trên bị tắc nghẽn nhiều lần trong khi ngủ, làm giảm hoặc ngừng luồng không khí đi vào phổi, thường kéo dài trên 10 giây, kèm theo giảm 3% độ bão hòa oxy trong máu.
Để chẩn đoán tình trạng thiếu oxy khi ngủ, người bệnh cần đo đa ký hô hấp hoặc đa ký giấc ngủ vào ban đêm khi ngủ. Bác sĩ gắn điện cực lên cơ thể, từ đó đánh giá nhịp thở, điện cơ, nhịp tim, cường độ, âm lượng tiếng ngáy, số lần thức giấc, huyết áp, chỉ số ngưng thở, giảm thở khi ngủ trong vòng một giờ (AHI)... Bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), đo chức năng hô hấp, xét nghiệm đo nồng độ khí NO trong hơi thở ra (FeNO)... để chẩn đoán loại trừ nguyên nhân thiếu oxy khi ngủ do mắc các bệnh tai mũi họng, hen suyễn.
Mức bão hòa oxy máu dao động ở khoảng 95-100% ở người khỏe mạnh. Nồng độ oxy trong máu khi ngủ thấp nếu dưới 95%. Nếu mức này giảm xuống dưới 92%, người bệnh cần can thiệp y tế.
Theo bác sĩ Thúy, điều trị thiếu oxy khi ngủ khác nhau tùy từng mức độ. Ở mức độ nhẹ, người bệnh chỉ cần thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, hạn chế tối đa uống bia rượu, cà phê, thuốc an thần, bỏ hút thuốc lá. Người bệnh cần tăng cường vận động để duy trì cân nặng hợp lý. Giữ phòng ngủ thông thoáng, lắp đặt quạt gió lưu thông không khí vào phòng. Kê cao đầu, nằm nghiêng khi ngủ để mở đường thở. Sử dụng máy tạo độ ẩm, duy trì mức ẩm trong phòng ngủ ở khoảng 40-60% để làm ẩm đường thở, giảm tình trạng tắc nghẽn, tăng cường lưu lượng oxy vào phổi.
Người bệnh thực hành các kỹ thuật thư giãn trước khi ngủ như hít thở sâu giúp làm chậm nhịp thở, nhịp tim để bão hòa oxy tốt hơn trong khi ngủ. Nếu mắc vấn đề mũi xoang, bệnh lý ở họng, người bệnh cần điều trị triệt để bằng thuốc. Trong một số trường hợp, bác sĩ dùng dụng cụ hỗ trợ mở rộng đường thở như dụng cụ giữ lưỡi, thiết bị kéo xương hàm dưới... để điều chỉnh vị trí của hàm dưới, giảm xẹp đường hô hấp, tránh cản trở quá trình trao đổi khí khi ngủ.
Ở mức độ nặng hơn, người bệnh có thể sử dụng đến máy thở áp lực dương liên tục (autoCPAP) khi ngủ. Thiết bị tạo áp suất không khí và duy trì liên tục giúp giữ cho đường hô hấp trên luôn mở, ngăn ngừa hẹp hoặc xẹp đường hô hấp trên trong khi ngủ. Nếu không dung nạp với máy thở hoặc có bất thường vùng mũi họng thì cần phẫu thuật cắt amidan, lưỡi gà, nạo VA hoặc phẫu thuật chỉnh màn hầu, sửa vách ngăn.
Link bài gốc: Dấu hiệu thiếu oxy khi ngủ - Báo VnExpress Sức khỏe