Giấc ngủ chuyển động mắt nhanh, còn được gọi là giấc ngủ REM (Rapid eye movement) là một giai đoạn quan trọng trong chu kỳ giấc ngủ, có vai trò đáng kể trong việc củng cố trí nhớ, học tập, kiểm soát cảm xúc, phát triển não bộ và tạo ra những giấc mơ.
Bài cùng thể loại

Giấc ngủ REM nằm ở giai đoạn thứ tư trong một chu kỳ giấc ngủ. Thông thường một chu kỳ giấc ngủ sẽ bao gồm 4 giai đoạn: ba giai đoạn giấc ngủ đầu tiên được xếp vào loại giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non rapid eye movement – NREM) và giai đoạn thứ tư là giai đoạn giấc ngủ REM.

Một chu kỳ giấc ngủ sẽ dao động trong khoảng thời gian từ 90 -120 phút. Bình quân, trong một đêm ngủ, chúng ta dành khoảng trên dưới 20% thời gian cho giấc ngủ REM. Giấc ngủ REM đầu tiên trong chu kỳ giấc ngủ thứ nhất chỉ kéo dài khoảng 10 phút. Tuy nhiên, thời lượng dành cho giấc ngủ REM trong các chu kỳ giấc ngủ tiếp theo tăng dần. Đến gần sáng giấc ngủ REM có thể kéo dài liên tục khoảng 1 giờ đồng hồ.



Điều gì xảy ra trong cơ thể trong giai đoạn giấc ngủ REM?

  • Mắt chuyển động nhanh, do đó giai đoạn giấc ngủ này được đặc tên theo chính đặc điểm điển hình của nó.
  • Hoạt động não bùng nổ, mức độ hoạt động của não trong giai đoạn này mạnh tương đương như hoạt động não khi đang thức. Đây là lý do nhiều nhà khoa học gọi đây là giấc ngủ chủ động hoặc giấc ngủ nghịch lý.
  • Các giấc mơ sống động thường xuất hiện trong giai đoạn này. Nhìn chung các giấc mơ có thể xuất hiện trong tất cả các giai đoạn giấc ngủ. Tuy nhiên, trong giai đoạn giấc ngủ REM các giấc mơ dữ dội và giống như thật nhất. Điều này có thể có liên quan đến tình trạng não hoạt động mạnh mẽ như đã nêu.
  • Nhịp tim và huyết áp đều tăng cao. Nhịp thở nhanh và có thể có nhịp thở bất thường.
  • Nhiều hệ cơ bị tê liệt trong giai đoạn giấc ngủ REM, ngoại trừ các cơ hô hấp, tim, mắt. Các nhà khoa học cho rằng đây là hiện tượng mất trương lực cơ, gây tê liệt tạm thời, giúp chúng ta không vun tay múa chân hoặc hành động theo nội dung của những giấc mơ.
  • Mặc dù vậy, thỉnh thoảng vẫn xảy ra hiện tượng cô giật cơ trong giấc ngủ REM.

So sánh giấc ngủ REM và giấc ngủ NREM

Trong giấc ngủ REM, có thể có một số hoạt động khác biệt đáng kể so với giấc ngủ NREM như:

  • Não hoạt động mạnh mẽ hơn so với tất cả các giai đoạn giấc ngủ khác.
  • Nhịp thở không đều so với nhịp thở chậm rãi và ổn định trong giấc ngủ NREM.
  • Cơ mất trương lực hoàn toàn so với tình trạng cơ mất trương lực 1 phần trong giấc ngủ NREM.
  • Nhịp tim tăng nhanh hôn so với giấc ngủ NREM.
  • Dễ thức dậy hơn so với giấc ngủ NREM.

Tầm quan trọng của giấc ngủ REM

Dù chưa thể hiểu hết về giấc ngủ REM, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy giấc ngủ REM có một số vai trò quan trong đối với trí não và nhiều hoạt động như:

  • Củng cố trí nhớ và gia tăng khả năng tiếp nhận, học hỏi. Giả thuyết được chấp nhận rộng rãi nhất cho rằng giấc ngủ REM  giúp phân loại và giữ lại ký ức.
  • Kiểm soát cảm xúc. Giấc ngủ REM có thể giúp mọi người điểu chỉnh và ghi nhớ các sự kiện có tính cảm xúc. Ngoài ra giấc ngủ REM cũng giúp điều chỉnh cảm xúc gắn với một ký ức nào đó.
  • Phát triển trí não. Các nhà khoa học cho rằng giấc ngủ REM có vai trò khá quan trọng đối với quá trình phát triển của bộ não. Ở trẻ sơ sinh, giấc ngủ REM chiếm hơn 50% thời gian ngủ. Giấc ngủ REM cũng kéo dài hơn trong các giai đoạn học tập.

Một số nghiên cứu trên cả người và động vật đều cho thấy thời lượng dành cho giấc ngủ REM đều tăng lên trong quá trình học hỏi và tiếp thu. Nghiên cứu ở chuột được học mê cung cho thấy chúng tăng giấc ngủ REM trong gần một tuần sau đấy.

Một nghiên cứu khác trên sinh viên cũng cho thấy tác động của giấc ngủ đến trí nhớ khi học tập. Theo đó, các sinh viên được chợp mắt giữa bài kiểm tra thì làm bài tốt hơn và những người càng có nhiều thời gian cho giấc ngủ REM thì làm bài càng chính xác hơn.



Cần bao nhiêu thời gian cho giấc ngủ REM là đủ?  

Dù thống nhất rằng người trưởng thành cần từ 7 – 9 giờ ngủ mỗi ngày, các nhà khoa học vẫn không thống nhất được một con số cụ thể nào cho câu hỏi: cần bao nhiêu thời gian cho giấc ngủ REM là đủ cho mọi người? 

Hầu như không có con số chung cho tất cả mọi người. Lượng giấc ngủ REM cần thiết ở mỗi người đều khác nhau, đặc biệt thể hiện qua độ tuổi. Với trẻ sơ sinh, hơn phân nửa thời gian ngủ là dành cho giấc ngủ REM, trong khi ở người lớn, giấc ngủ REM chỉ chiếm từ 18 – 23% thời gian ngủ.

Nhiều ý kiến cho rằng có vẻ như các nhóm tế bào não và chức năng cân bằng nội môi điều khiển giấc ngủ REM. Điều này có nghĩa là cơ thể sẽ tự nhiên tăng giấc ngủ REM khi cần thiết.

Các rối loạn giấc ngủ xảy ra trong giấc ngủ REM

Rối loạn hành vi giấc ngủ REM (RBD). Những người mắc chứng này thường không bị tê liệt cơ khi ngủ, do vậy họ thường hành động theo nội dung giấc mơ. Họ thường co giật, đấm, đá, cào cấu… trong lúc ngủ và thường tự gây thương tích cho chính mình và người ngủ chung.

Ngủ rũ. Những người mắc chứng ngủ rũ thường có những cơn mất kiểm soát cơ đột ngột. Bệnh có thể khiến người mắc chấn thương do tai nạn hoặc té ngã khi cơn buồn ngủ bất thần ập tới hoặc bị gián đoạn công việc. Biểu hiện thường thấy là ngay trong lúc đang tỉnh táo họ bất ngờ buồn ngủ và rơi nhanh vào giấc ngủ REM. Một số triệu khác của ngủ rũ như: buồn ngủ quá mức vào ban ngày, ảo giác như mơ trước khi rơi vào giấc ngủ.

Rối loạn ác mộng thường xuyên xảy ra trong giấc ngủ REM khi người mắc thường xuyên trải qua các cơn ác mộng căng thẳng, đáng sợ hoặc đau buồn. Rối loạn ác mộng có thể do căng thẳng, chấn thương thời thơ ấu và những trải nghiệm đáng sợ khác gây ra.

Ngưng thở khi ngủ. Bao gồm cả ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA). Dù ngưng thở khi ngủ xảy ra trong cả 2 loại giấc ngủ NREM và REM, tuy nhiên giấc ngủ REM bị tác động khá lớn đến giấc ngủ REM.

Người mắc ngưng thở khi ngủ có những đợt ngưng, giảm thở tạm thời trong một khoảng thời gian. Kết quả là cơ thể thiếu oxy, não sẽ bị đánh thức để hỗ trợ đường thở, qua đó cung cấp oxy đầy đủ trở lại. Kết quả là người mắc sẽ bị thức giấc nhiều lần, hoặc ngủ không sâu. Khi đang trong giai đoạn giấc ngủ REM, ngưng thở khi ngủ làm họ bị chuyển sang các giai đoạn giấc ngủ nông hơn và làm giảm thời gian dành cho giấc ngủ REM, dẫn đến mệt mỏi vào ban ngày.



Làm thế nào để có nhiều giấc ngủ REM?

Với các lợi ích như đã phân tích, giấc ngủ REM không đủ sẽ gây tác động tiêu cực lên sự phát triển trí não, đặc biệt ở trẻ em, hạn chế khả năng ghi nhớ và tiếp thu và quản lý cảm xúc. Với nhiều lợi ích như vậy, một câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể can thiệp để có thể ngủ nhiều giấc ngủ REM hơn hay không?

Câu trả lời là hầu như không thể, chúng ta hầu như không thể can thiệp vào tỷ lệ của các giai đoạn giấc ngủ. Một người bình thường sẽ có khoảng trên dưới 20% giấc ngủ REM. Theo các chuyên gia cách duy nhất để bạn có thêm nhiều thời gian ngủ REM là bạn phải ngủ đủ giấc và đảm bảo chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

Có nhiều tác nhân có thể làm hạn chế giấc ngủ REM, trong đó có các loại rối loạn giấc ngủ, điển hình như rối loạn ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, lối sống cũng có tác động đáng kể. Bia rượu, thuốc lá, thuốc trị bệnh, ánh sáng nhân tạo từ các màn hình điện tử… cũng làm giảm giấc ngủ REM. Thậm chí thói quen sử dụng đồng hồ báo thức cũng có tác động tiêu cực khi làm cắt ngang đột ngột giấc ngủ REM.

Để có nhiều thời gian ngủ REM hơn, bạn cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Do vậy hãy đặt giấc ngủ vào danh sách những việc cần ưu tiên và thực hiện đầy đủ vệ sinh giấc ngủ sẽ giúp bạn ngon giấc mỗi ngày.

 

Nguồn tham khảo

What is REM Sleep? (sleepdoctor.com)

Why REM Sleep and Dreams Are Important for Health | TIME

REM Sleep: What It Is and Why It's Important (sleepfoundation.org)

5 Ways to Get More REM Sleep (sleepfoundation.org)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ