Chứng tê liệt khi ngủ, dân gian gọi là ‘bóng đè’, là tình trạng mất khả năng cử động hoặc nói chuyện tạm thời, xảy ra khi chìm vào giấc ngủ hoặc ngay khi thức dậy. Triệu chứng trên còn gọi là mất trương lực cơ. Tình trạng này thường kéo dài trong vài giây, có khi vài phút và thường kèm theo ảo giác.
Thống kê cho thấy cứ 100 người sẽ có khoảng 8 người bị ‘bóng đè’ ở một giai đoạn nào đó. Nó có thể chỉ xảy ra một lần hoặc tái diễn thường xuyên, thường bắt đầu ở tuổi thiếu niên và hay xảy ra nhất ở độ tuổi từ 20 đến 40.
Triệu chứng của tê liệt khi ngủ là mất trương lực cơ, không thể cử động hoặc nói, kèm theo đó là các cơn khó thở, tức ngực và những ảo giác, cảm xúc đau buồn, hoảng sợ hoặc bất lực trong những cơn tê liệt khi ngủ. Sau cơn ‘bóng đè’ thường có cảm giác mệt mỏi hoặc buồn ngủ quá mức, mệt mỏi.
Nguyên nhân chính xác gây tê liệt khi ngủ vẫn chưa được biết, nhưng các nghiên cứu nhận thấy nhiều yếu tố liên quan đến sự khởi phát của chứng tê liệt khi ngủ: Rối loạn giấc ngủ, chứng ngủ rũ, rối loạn sức khỏe tâm thần.
Những nghiên cứu cho thấy tê liệt khi ngủ dù không gây ra bất kỳ tổn hại nào về thể chất, vì thế nó không được coi là nguy hiểm.
Mặc dù nó có thể gây cảm giác sợ hãi, đau khổ như đây là một tình trạng lành tính và xảy ra không thường xuyên đủ để gây những tổn hại sức khỏe.
Tuy nhiên, ước tính có khoảng 10% số người có những cơn tái phát hoặc khó chịu hơn khiến tình trạng tê liệt khi ngủ trở nên đặc biệt đáng lo ngại. Kết quả là, họ có thể nảy sinh những ám ảnh về giấc ngủ, sợ ngủ hoặc lo lắng quá mức trước khi ngủ khiến càng khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu ngủ và nhiều hậu quả khác đối với sức khỏe tổng thể của một người.
Bước đầu tiên trong điều trị chứng tê liệt khi ngủ là trình bày với bác sĩ để xác định và giải quyết các vấn đề tiềm ẩn có thể góp phần làm tăng tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của các cơn bệnh.
Hiện có rất ít nghiên cứu khoa học về phương pháp điều trị chứng tê liệt khi ngủ hiệu quả. Nhiều người không biết rằng tình trạng này tương đối phổ biến, do đó cảm thấy xấu hổ sau mỗi cơn tê liệt khi ngủ. Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc cải thiện “vệ sinh giấc ngủ” là trọng tâm chung trong việc ngăn ngừa tình trạng tê liệt khi ngủ.
Cải thiện vệ sinh giấc ngủ thường được kết hợp với liệu pháp hành vi nhận thức đối với chứng mất ngủ (CBT-I). Đây phương pháp trò chuyện có tác dụng điều chỉnh lại những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực làm cản trở giấc ngủ. CBT có tác dụng trong việc giải quyết các tình trạng sức khỏe tâm thần như: lo lắng và căng thẳng sau chấn thương (PTSD) có thể là yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ tê liệt khi ngủ.
Một số loại thuốc được biết là có tác dụng ức chế giấc ngủ REM có thể giúp chấm dứt tình trạng tê liệt khi ngủ. Những loại thuốc này có thể có tác dụng phụ và có thể gây ra hiện tượng tái phát khi ngừng dùng thuốc. Vì những lý do này, điều quan trọng là phải nói chuyện với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào, để hiểu cả lợi ích và nguy cơ tiềm ẩn.
Nguồn tham khảo