Rối loạn cận giấc ngủ (còn được gọi theo tên khác là mất ngủ giả) bao gồm các chứng phổ biến như mộng du, giấc ngủ kinh hoàng, ác mộng, rối loạn ăn uống khi ngủ cũng như bóng đè. Các chuyên gia xác định rằng các hiện tượng này thường xảy ra vào thời điểm bộ não chuyển đổi từ trạng thức sang ngủ hoặc ngược lại, cũng như trong quá trình chuyển đổi từ giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM) và giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM).
Rối loạn cận giấc ngủ, do vậy, thường xảy ra khi chúng ta chuẩn bị rơi vào giấc ngủ, đang ngủ hoặc trong giai đoạn kích thích giữa hai trạng thái ngủ thức. Hội chứng này được ghi nhận ở nhiều nhóm tuổi, nhưng thống kê cho thấy nó xuất hiện nhiều hơn ở trẻ em so với người lớn.
Các chứng rối loạn cận giấc ngủ được phân nhóm dựa theo giai đoạn giấc ngủ mà chúng xảy ra. Về cơ bản, một giấc ngủ bình thường gồm nhiều chu kỳ giấc ngủ lặp lại nhiều lần trong đêm. Mỗi chu kỳ giấc ngủ lại được tạo thành từ nhiều 4 giai đoạn giấc ngủ bao gồm 3 giai đoạn giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM) và 1 giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).
Mộng du. (Ảnh minh họa)
Các rối loạn cận giấc ngủ diễn ra trong giai đoạn giấc ngủ NREM
Lúc này người mắc không hoàn toàn thức giấc, cũng không nhận thức được các hành vi của mình đang diễn ra. Nếu có ai đó cố tương tác với thì họ cũng sẽ không đáp lại và đặc biệt là ngày hôm sau họ thường chẳng nhớ gì hoặc chỉ nhớ rất ít về điều đã xảy ra.
Rối loạn cận giấc ngủ trong giấc ngủ NREM thường diễn ra trong độ tuổi từ 5-25 tuổi và thường gặp ở những người mà trong gia đình người có tiền sử mắc một chứng rối loạn cận giấc ngủ tương tự. Các chứng rối loạn cận giấc ngủ trong giấc ngủ REM bao gồm:
- Giấc ngủ kinh hoàng: Nếu mắc chứng này, một người sẽ thường tỉnh dậy giữa đêm trong trạng thái kinh hoàng, hốt hoảng, có người còn khóc hoặc gào thét. Giấc ngủ kinh hoàng có thể kéo dài từ 30 giây đến vài phút. Một số đặc điểm khác của chứng này thường hay gặp là: giãn đồng tử, tim đập nhanh, thở gấp và đổ mồ hôi.
- Mộng du: Người mộng du thường rời khỏi giường và bắt đầu di chuyển và làm việc gì đó. Dù rõ ràng là họ mở mắt nhưng thực tế họ lại đang ngủ. Người mộng du cũng có thể lẩm bẩm hoặc nói chuyện một mình. Họ cũng có thể thực hiện nhiều hoạt động phức tạp như lái xe, chơi một loại nhạc cụ nào đó hoặc làm một việc kỳ quặc như đi “tè” vào tủ quần áo hay di dời, khiêng vác vật dụng trong nhà. Người mộng du có thể tự gây thương tích cho mình khi họ không ý thức được bối cảnh xung quanh, đâm vào thứ gì đó hoặc té ngã.
- Thức giấc nửa tỉnh nửa mơ: Nếu bạn gặp chứng này, khi đang ngủ bạn sẽ tỉnh dậy một phần nhưng trong trạng thái lơ mơ, bối rối và mất định hướng về không gian và thời gian. Bạn có thể vẫn ngồi trên giường, mắt mở to và có thể khóc. Khả năng nói và tư duy chậm lại. Tình trạng này kéo dài trong vài phút đến hàng giờ. Chứng này thường gặp ở trẻ em và có xu hướng giảm đi khi lớn tuổi hơn.
- Rối loạn ăn uống khi ngủ: Là bạn thức dậy một phần và bắt đầu ăn uống, thậm chí cả những đồ ăn mà bạn không thích hoặc không bao giờ ăn nếu tỉnh táo như thịt sống. Những điều nguy hiểm thường xảy ra với người mắc chứng rối loạn này là họ có thể sẽ ăn những thứ không thể ăn được, ăn phải chất độc, ăn thức ăn không tốt cho sức khỏe hoặc ăn quá nhiều thức ăn. Bên cạnh đó, họ cũng có thể gặp thương tích trong quá trình chuẩn bị và nấu ăn.
Các rối loạn cận giấc ngủ diễn ra trong giai đoạn giấc ngủ REM
Chứng rối loạn cận giấc ngủ thường diễn ra vào nửa sau của đêm. Đây là giai đoạn của những giấc mơ sống động và dữ dội. Nếu bị tỉnh giấc trong quá trình này, bạn có thể vẫn sẽ nhớ một phần hoặc toàn bộ nội dung của giấc mơ.
- Rối loạn ác mộng: Những cơn ác mộng như thật thường mang tới những cảm giác kinh hoàng, sợ hãi, lo âu hoặc cảm giác có thứ gì đó đe dọa đến sự sống còn của mình. Nếu tỉnh giấc khi gặp ác mộng, bạn vẫn có thể nhớ chi tiết về giấc mơ vừa qua của mình cũng như gặp khó khăn khi dỗ giấc ngủ trở lại. Rối loạn ác mộng thường gặp với những người vừa trải qua căng thẳng, sự kiện đau buồn, bệnh tật, mệt mỏi kiệt sức hoặc sau khi sử dụng thức uống có cồn.
- Chứng tê liệt khi ngủ hay còn được gọi là "bóng đè" là khi bạn cảm giác không thể cử động chân tay và cơ thể khi đang ngủ. Nhiều nhà khoa học cho rằng hiện tượng này là do sự kéo dài của giấc ngủ REM, một giai đoạn ngủ mà các cơ hầu như hoàn toàn thư giãn. Bóng đè diễn ra cả lúc chuẩn bị vào giấc ngủ lẫn lúc sắp thức dậy, kéo dài vài giây đến vài phút kèm theo sự hoảng loạn. Bóng đè sẽ chấm dứt nếu ai đó kêu hoặc lay bạn dậy.
- Rối loạn hành vi giấc ngủ REM: Nếu mắc chứng này bạn sẽ hành động, nói, cười, la hét hoặc thực hiện các hành vi bạo lực như đấm, đá… theo nội dung của những giấc mơ bạo lực nào đó mà bạn đang mơ. Chứng rối loạn này thì khá phổ biến với người lớn. Nhiều người mắc chứng rối loạn này thường mắc các bệnh thoái hóa thần kinh như Parkinson, mất trí nhớ thể Lewy, teo đa hệ thống và đột quỵ.
Chứng "bóng đè" thường gây ra cảm giác hoảng sợ khi ngủ
Các rối loạn cận giấc ngủ khác
- Chứng đầu phát nổ (Exploding head syndrome): Nếu mắc chứng này, khi đang thiêu thiêu ngủ hoặc lúc sắp tỉnh dậy, bạn sẽ nghe một âm thanh hoặc một tiếng nổ lớn trong đầu. Bạn cũng có thể cảm nhận thấy một tia sáng (tưởng tượng) hoặc một cơn co giật cơ đột ngột.
- Đái dầm: đây không phải là đái dầm của trẻ con. Đái dầm trong chừng rối loạn cận giấc ngủ có thể xảy ra với người từ 5 tuổi trở lên ít nhất 2 lần một tuần và kéo dài trong 3 tháng.
- Ảo giác khi ngủ: Khi mắc chứng này, bạn sẽ thường gặp những ảo giác vào những lúc dần dần rơi vào giấc ngủ hoặc lúc sắp thức. Bạn sẽ thấy, nghe, cảm nhận vật thể hoặc cảm nhận hành động không thật sự tồn tại.
- Rên rỉ trong khi ngủ (catathrenia)
- Rối loạn tình dục khi ngủ (Miên dâm – Sexsomnia). Với chứng này, người mắc thường thực hiện các hành vi tình dục trong khi đang ngủ như: giao hợp, thủ dâm, bạo lực tình dục, hiếp dâm, vuốt ve bạn tình hay phát ra các âm thanh gợi dục.
Nhìn chung, thống kê cho thấy ác mộng thường xảy ra với phụ nữ nhiều hơn. Trong khi đó, rối loạn tình dục khi ngủ thường xảy ra với đàn ông. Rối loạn hành vi giấc ngủ REM thì thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Giấc ngủ kinh hoàng, thức giấc nửa tỉnh nửa mơ, mộng du thì hầu như tỷ lệ mắc đồng đều ở cả nam và nữ.
Trẻ em thường mắc rối loạn cận giấc ngủ nhiều hơn người lớn, trong đó, các rối loạn cận giấc ngủ trong giấc ngủ NREM thì phổ biến hơn so với các rối loạn cận giấc ngủ trong giấc ngủ REM. Trẻ dưới 15 tuổi thường mắc các chứng thức giấc nửa tỉnh nửa mê, mộng du, giấc ngủ kinh hoàng và ác mộng.
Rối loạn cận giấc ngủ thường gặp ở trẻ có một số vấn đế về sức khỏe thần kinh và tâm thần như bệnh động kinh, rối loạn tăng động giảm chú ý hoặc gặp mốt số vấn đề về phát triển.
Nguồn tham khảo
Parasomnias: Causes, Symptoms, Types & Management (clevelandclinic.org)
Parasomnias: Definition and Types (webmd.com)