Mất ngủ là gì?
Mất ngủ là tình trạng khi bạn không thể ngủ được như đáng lẽ ra phải có để đảm bảo cho cơ thể được hoạt động bình thường. Điều này có nghĩa là bạn không ngủ đủ, không ngủ ngon và khó duy trì được giấc ngủ. Trong khi với người này thì mất ngủ là chuyện nhỏ thì với người khác đó là cả một thảm họa. Có nhiều nguyên nhân lý giải vì sao mất ngủ lại khác biệt nhiều như thế.
Thói quen và nhu cầu ngủ khác nhau ở mỗi người, từ đó dẫn đến có nhiều kiểu ngủ dù khác biệt nhau rất nhiều nhưng vẫn được xem là bình thường như:
- Người có nhu cầu ngủ sớm và thức sớm .
- Người ngủ trễ và dậy trễ. Những người này thường được ví von là những con cú đêm.
- Những người có giấc ngủ ngắn. Nhu cầu tự nhiên của những người này thường ít hơn người bình thường. Các chuyên gia cho rằng điều này có thể do nguyên nhân từ bộ gen của họ được thừa hưởng.
- Một số người lại có thể học và thực hành những kiểu ngủ khác biệt so với bình thường để phù hợp với nghề nghiệp của họ. Đơn cử như những người lính trong quân ngũ có thể tập cách ngủ nông để sẵn sàng có thể tỉnh dậy khi có mối nguy đến gần hoặc có nhiệm vụ cần giải quyết. Một số người khác thì ngược lại, tập để có thể ngủ sâu bất chấp mọi tiếng ồn xung quanh.
- Sự thay đổi trong nhu cầu ngủ trong các giai đoạn của cuộc đời: nếu như trẻ sơ sinh có cần ngủ từ 14 – 17 tiếng mỗi ngày trong khi với người lớn chỉ cần từ 7 -9 tiếng mỗi ngày.
Phân loại mất ngủ
Có hai cách để phân loại mất ngủ. Phân loại theo thời gian, mất ngủ được phân thành mất ngủ cấp tính (ngắn hạn) và mất ngủ mãn tính (dài hạn). Mất ngủ dài hạn được xem là một loại rối loạn giấc ngủ.
Theo nguyên nhân, mất ngủ được phân thành mất ngủ nguyên phát có nguyên nhân do chính tự thân nó, không liên quan đến bệnh lý nào và mất ngủ thứ phát có nguyên nhân do một loại bệnh lý hoặc một vấn đề sức khỏe khác gây ra.
Cả mất ngủ cấp tính và mãn tính đều khá phổ biến. Thống kê chung, có khoảng 1 trong 3 người lớn có các triệu chứng mất ngủ. Khoảng 10% người trưởng thành có các triệu chứng đủ để được xem là bệnh rối loạn giấc ngủ.
Triệu chứng
Rối loạn mất ngủ có nhiều triệu chứng, được xếp vào 3 nhóm chính là: các triệu chứng bạn gặp khi ngủ, các tác động ban ngày và các đặc điểm của mất ngủ mãn tính.
Khi bạn gặp vấn đề với giấc ngủ, có 3 triệu chứng chính thay đổi theo thời gian bao gồm:
- Mất ngủ khởi đầu: là tình trạng khó đi vào giấc ngủ.
- Mất ngủ giữa giấc: là khi bạn thức giấc giữa đêm và sau đó ngủ lại được. Đây là loại phổ biến xảy ra với khoảng 2/3 trong số những người bị mất ngủ.
- Mất ngủ cuối giấc: là khi bạn thức giấc sớm vào buổi sáng và không ngủ lại được nữa.
Do không ngủ được ban đêm, mất ngủ gây ra nhiều tác động vào ban ngày khi bạn thức có thể xem là triệu chứng của mất ngủ như:
- Buồn ngủ, mệt mỏi, cảm giác không khỏe.
- Phản ứng chậm với các diễn biến xung quanh.
- Suy giảm trí nhớ.
- Quá trình suy nghĩ chậm lại, hay bối rối hoặc khó tập trung.
- Tuột cảm xúc, khó chịu, cáu gắt hay lo lắng, bất an.
- Giảm hiệu quả trong công việc, mất các mối quan hệ xã hội, sở thích hay thói quen.
Một số đặc điểm của chứng mất ngủ mãn tính cũng rất quan trọng để xem xét. Nếu bạn có một vài triệu chứng nào đó trong số này, bạn có thể đang mắc chứng mất ngủ mãn tính:
- Bạn mất ngủ mà không do bất kỳ một tác động nào từ hoàn cảnh hay tình huống cụ thể nào gây ra (ví dụ như các sự kiện quan trọng trong đời hay thay đổi công việc).
- Bạn thường hay mất ngủ, ít nhất 3 lần mỗi tuần.
- Mất ngủ mãn tính phải kéo dài ít nhất 3 tháng.
- Mất ngủ mãn tính xảy ra không do bất kỳ một loại hóa chất hay thuốc men nào, cũng không phải do các rối loạn giấc ngủ khác gây ra. Các bệnh lý khác hoặc tình trạng sức khỏe của bạn cũng không thể giải thích được vì sao bạn mất ngủ.
Nguyên nhân mất ngủ
Dù không hiểu được hoàn toàn chính xác nguyên nhân, tuy nhiên các nhà khoa học cũng xác định được một số yếu tố tác động. Những yếu tố này có thể là nguyên nhân hoặc cũng có thể đơn giản là yếu tố góp phần gây ra chứng mất ngủ.
- Tiền sử gia đình: mất ngủ có thể được di truyền trong gia đình.
- Các hoạt động não: những người bị mất ngủ thường có não hoạt động mạnh hơn hoặc não của họ có một số chất khác biệt khiến họ mất ngủ.
- Tình trạng sức khỏe thể chất: có tác động đến giấc ngủ. Có thể kể đến như một số loại bệnh như viêm nhiễm hoặc chấn thương, trào ngược axit dạ dày thực quản, bệnh Parkinson, một số tình trạng sức khỏe làm rối loạn nhịp sinh học… có thể dẫn đến mất ngủ.
- Tình trạng sức khỏe tâm thần: Khoảng một nửa những người bị mất ngủ mãn tính cũng đồng thời đang gặp một vấn đề nào đó về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu hoặc trầm cảm.
- Thay đổi lối sống trong ngắn hạn như lệch múi giờ, ngủ chỗ lạ, thay đổi lịch làm việc hoặc một số thay đổi trong dài hạn như chuyển chỗ ở, mua nhà mới… cũng tác động vào giấc ngủ.
- Thói quen và tâp quán: cũng tác động vào giấc ngủ như: giờ đi ngủ, thói quen ngủ ngày, uống café…
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến mất ngủ
- Người có tính ngủ nông, dễ dàng bị đánh thức.
- Người thường sử dụng các chất có cồn.
- Người cảm thấy bất an trong căn nhà của mình, kiểu như thường bị bạo hành hoặc lạm dụng trong gia đình.
- Người thường có nỗi sợ hãi hoặc lo âu về giấc ngủ như gặp ác mộng trong đêm hay có những cơn hoảng loạn trong giấc ngủ.
Những biến chứng của mất ngủ
Khi mất ngủ kéo dài lâu ngày, chúng có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ (Sleep deprivation), từ đó tạo ra các mối nguy hiểm cho bạn khi lái xe, làm việc hoặc bất kỳ nhiệm vụ nào yêu cầu sự tỉnh táo và tâp trung. Ngoài ra mất ngủ còn làm gia tăng nguy cơ mắc phải một số loại bệnh tật nguy hiểm khác như:
- Cao huyết áp.
- Đau tim.
- Đột quỵ.
- Tiểu đường loại 2.
- Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
- Béo phì.
- Rối loạn tâm thần (psychosis)
- Rối loạn lo âu.
- Trầm cảm.
Nguồn tham khảo
Overcoming Insomnia | Psychology Today
Insomnia: What It Is, Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)