Nếu các bậc phụ huynh cảm nhận rằng con mình trong độ tuổi mới lớn hầu như thức suốt đêm thì đó không phải là điều dị biệt. Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 39% trẻ trong độ tuổi từ 13 – 19 tuổi có các triệu chứng mất ngủ. Ngoài các phương pháp sử dụng thuốc và giảm căng thẳng thì các liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) có thể giúp hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ ở tuổi teen.
Các nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân chính là do nhịp sinh học 24 giờ ở lứa tuổi này bị trễ hơn so với các khoảng thời gian khác trong đời khiến tuổi teen thường thức khuya, dậy trễ và thay đổi trong cấu trúc giấc ngủ. Đây cũng có thể xem là một dạng rối loạn giấc ngủ trì hoãn.
Ngoài ra tuổi teen thường rất dễ nghiện các thiết bị điện tử nói chung, điện thoại, laptop và internet và mạng xã hội nói riêng khiến người trẻ trong độ tuổi này càng khó ngủ.
Nhịp ngủ thức bị lệch pha so với các quy ước giờ giấc chung của xã hội làm thanh thiếu niên càng bị hạn chế thời gian ngủ. Điển hình như khi trẻ thức khuya và ngủ ít vào ban đêm, nhưng đến sáng lại phải dậy sớm cho kịp giờ đi học ở trường càng khiến trẻ thiếu ngủ. Bù lại các teen thường tranh thủ chợp mắt vào bất cứ thời gian nào có thể trong ngày, cuối tuần, lễ tết hay nghỉ hè... Kết quả, điều này lại càng làm rối loạn thêm nhịp sinh học vốn đã bất thường của tuổi teen.
Tuổi teen cũng có thể bị mất ngủ do căng thẳng hoặc do một số bệnh tiềm ẩn, điển hình như ngưng thở khi ngủ.
Chứng mất ngủ ở tuổi teen có thể kéo dài trong vài ngày, vài tháng hoặc vài năm tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mất ngủ. Tầm soát và điều trị các bệnh lý tiềm ẩn gây ra mất ngủ, hạn chế các tác động từ môi trường bên ngoài đến giấc ngủ có thể giúp trẻ giải quyết chứng mất ngủ nhanh hơn và hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Thiếu ngủ trong độ tuổi này có thể dẫn đến các rối loạn về cảm xúc, tâm trạng, khó tập trung và ghi nhớ, giảm hiệu quả học tập và gặp một số vấn đề giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa. Mất ngủ mạn tính có thể dẫn đến suy yếu hệ miễn dịch và sức khỏe tâm thần. Ngoài ra mất ngủ lâu dài còn rất dễ gây ra các loại tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông do buồn ngủ ban ngày.
Về cơ bản các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng ánh sáng từ màn hình của các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại… không tốt cho giấc ngủ. Nó có thể làm đảo lộn nhịp sinh học, đánh lừa não bộ khiến não nhầm tưởng rằng chưa đến giờ đi ngủ và do đó não không tiết ra hormone melatonin gây buồn ngủ.
Thời gian tiếp xúc với ánh sáng từ các màn hình điện tử liên quan đến hàng loạt các triệu chứng mất ngủ ở tuổi teen. Các nhà khoa học tin rằng, trẻ em và thanh thiếu niên độ tuổi teen rất nhạy cảm với ánh sáng xanh từ màn hình điện tử do mắt của người trẻ có xu hướng thu nhận ánh sáng vào nhiều hơn người lớn.
Đến nay vẫn có nhiều tranh cãi xung quanh ý kiến: liệu việc tiếp xúc với thiết bị điện tử làm teen mất ngủ, hay ngược lại những trẻ gặp rắc rối với giấc ngủ thường tìm đến thiết bị điện tử? Vấn đề càng phức tạp hơn khi sử dụng điện thoại quá mức ví dụ có thể gây ra rối loạn lo âu và trầm cảm, vốn dĩ là những yếu tố nguy cơ bổ sung để gây ra mất ngủ.
Ý kiến chung của các chuyên gia là thời gian tiếp xúc màn hình điện tử có tác động đến giấc ngủ nhiều hơn chiều ngược lại. Một nghiên cứu cho thấy có 57% thanh thiếu niên gặp rắc rối với giấc ngủ khi sử dụng thiết bị điện tử trong phòng ngủ.
Một số ý kiến nhận định các thiết bị điện tử tác động đến giấc ngủ của teen không giống nhau. Theo đó, các loại thiết bị điện tử yêu cầu tương tác cao khi sử dụng, như điện thoại thông minh hay máy chơi video game, sẽ cản trở giấc ngủ nhiều hơn. Một số ý kiến khác thì cho rằng điện thoại thông minh tác động đến giấc ngủ mạnh hơn cả vì chúng thường được mọi người kê gần mặt khi sử dụng.
Bênh cạnh đó, giấc ngủ của bạn trẻ tuổi teen thường bị cản trở nhiều hơn do xem màn hình điện tử trong phòng tối. Khi xem, nhìn trong phòng tối thiếu sáng sẽ làm đồng tử giãn nở to hơn và do đó mắt sẽ hấp thụ nhiều ánh sáng xanh hơn từ thiết bị. Ngoài ra trẻ tuổi teen sử dụng điện thoại để liên lạc và chat với bạn bè khi đến giờ lên giường sẽ khó ngủ hơn do tâm lý chờ phản hồi từ bên kia. Ngoài ra âm báo các loại tin nhắn của điện thoại cũng khiến giấc ngủ của teen trở nên chập chờn khó đi vào giấc ngủ sâu.
Nếu chứng mất ngủ mãn tính ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của thanh thiếu niên, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp bạn dễ ngủ.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng có thể hướng dẫn con mình thực hiện vệ sinh giấc ngủ lành mạnh hoặc các mẹo xắp xếp giấc ngủ phù hợp với đặc tính lứa tuổi để hình thành thói quen ngủ tốt hơn.
Nguồn tham khảo
Understanding Insomnia in Teens and What You Can Do About It (healthline.com)
How Screen Time May Cause Insomnia in Teens | Sleep Foundation