Dù bổ sung melatonin có thể cải thiện giấc ngủ nhưng nó không chắc là phù hợp với tất cả mọi người. Cần trao đổi trước với chuyên gia để hiểu rõ về các tác dụng phụ và liều lượng phù hợp.
Bài cùng thể loại

Melatonin là gì?

Melatonin là một hormone tự nhiên, được sản xuất chủ yếu từ tuyến tùng trong não, một phần của hệ nội tiết. Melatonin đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát chu kỳ ngủ - thức và nhịp sinh học 24 giờ của cơ thể.

Tác động đầy đủ của melatonin đến cơ thể người cho đến nay vẫn chưa được khám phá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nó giúp đồng bộ hóa các bộ phận khác nhau trên cơ thể theo một nhịp sinh học thống nhất.

Nhịp sinh học là những thay đổi về thể chất, tinh thần, hành vi diễn trong một chu kỳ 24 giờ. Trong đó, phần quan trọng được biết đến nhiều nhất của nhịp sinh học là chu kỳ ngủ - thức trong 24 giờ. Chu kỳ ngủ - thức hoạt động chủ yếu dựa trên sự phản ứng của não bộ với các tín hiệu ánh sáng và bóng tối. Tuyến tùng tiết ra lượng melatonin nhiều nhất vào ban đêm và hạn chế tiết ra vào ban ngày.

Melatonin cũng có thể được tổng hợp nhân tạo từ phòng thí nghiệm và được thương mại hóa như một loại chế phẩm bổ sung dinh dưỡng. Tại Mỹ, melatonin nhân tạo không được cơ quan chức năng quản lý sử dụng, do đó cũng có nghĩa là melatonin nhân tạo không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sử dụng cho bất kỳ mục đích hoặc một tình trạng sức khỏe nào.

 

Melatonin tác động lên cơ thể như thế nào?

Các chuyên gia tin rằng cách thức tác động chủ yếu của melatonin lên cơ thể chúng ta là thông qua cơ chế nhịp sinh học 24 giờ và chu kỳ ngủ thức.

Melatonin và giấc ngủ

Tuyến tùng giải phóng Melatonin nhiều nhất khi trời tối và giảm tiết ra melatonin khi chúng ta bị phơi ra dưới ánh sáng. Càng ở trong bóng tối lâu, tuyến tùng càng tiết ra nhiều melatonin. Có lẽ vì điều này mà melatonin được gọi là hormone giấc ngủ.

Mặc dù melatonin không phải là điều thiết yếu duy nhất cho giấc ngủ, tuy nhiên bạn vẫn sẽ ngủ ngon hơn khi có thể có lượng melatonin tiết ra ở mức cao nhất. Ngoài melatonin, còn nhiều yếu tố khác cùng góp phần vào giúp bạn có thể ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Với người bình thường, tuyến tùng nhận được tín hiệu sáng – tối thông qua đôi mắt và giải phóng lượng melatonin tương ứng. Trong khi đó với người mù, khả năng tiếp nhận thông tin về ánh sáng hạn chế khiến cơ chế tiết ra melatonin để đồng bộ hóa nhịp sinh học bị lỗi, dẫn đến các rối loạn nhịp sinh học.

Các tác động khác của melatonin

Melatonin có tương tác với hormone sinh học nữ. Các chuyên gia tin rằng nó giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.

Melatonin từ tuyến tùng còn giúp chống lại sự thoái hóa thần kinh. Đây là quá trình mất dần các chức năng của tế bào thần kinh. Thoái hóa thần kinh thường thấy ở những người mắc bệnh Parkinson hoặc Alzheimer.

Ngoài ra, các chuyên gia còn nhận thấy những người vì một lý do nào đó mà bị giải phẫu cắt tuyến tùng thì thường có tốc độ lão hóa nhanh hơn bình thường. Từ đó, nhiều chuyên gia cho rằng melatonin còn có đặc tính quan trọng là chống lão hóa.

Mức melatonin bình thường là như thế nào?

Mức melatonin trong mỗi người khác nhau rất nhiều theo tuổi tác và giới tính. Để biết lượng melatonin trong cơ thể có bình thường thường hay không theo độ tuổi và giới tính, bạn cần thực hiện một xét nghiệm để đánh giá lượng melatonin tại cơ sở y tế.

Trẻ em không tự sản xuất ra melatonin. Khi trong bụng mẹ, chúng nhận melatonin thông qua nhau thai. Sau khi sinh ra chúng lại nhận melatonin thông qua sữa mẹ. Chu kỳ sản xuất melatonin bắt đầu được hình thành khi trẻ được 2 -3 tháng tuổi.

Lượng melatonin tiếp tục gia tăng khi trẻ lớn lên và đạt đỉnh trước khi bước vào tuổi dậy thì. Khi bước vào tuổi dậy thì, lượng melatonin bắt đầu giảm lại cho đến khi đạt mức cân bằng ở giai đoạn cuối của tuổi teen.

Ở tất cả các độ tuổi sau tuổi dậy thì, lượng melatonin ở phụ nữ và những người giới tính nữ ở thời điểm sinh ra luôn cao hơn so với nam giới và những người thuộc giới tính nam ở thời điểm sinh ra.

Lượng melatonin giữ mức ổn định ở độ tuổi 40 và sau đó giảm dần khi bạn lớn tuổi hơn. Với người trên 90 tuổi, lượng melatonin thì ít hơn 20% so với mức melatonin ở người trẻ trưởng thành.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm lượng melatonin theo quá trình lão hóa, trong đó có vôi hóa tuyến tùng là phổ biến và khả năng thị giác bị hạn chế trong việc thu nhận ánh sáng của người già, phổ biến là chứng đục thủy tinh thể.

 

Những vấn đề sức khỏe có liên quan đến melatonin

Có hai vấn đề sức khỏe chính có liên quan đến melatonin bao gồm giảm melatonin trong máu (Hypomelatoninemia) và tăng melatonin trong máu (Hypermelatoninemia).

Chứng giảm melatonin máu

Chứng giảm melatonin máu xảy ra khi lượng melatonin tiết ra nhiều nhất vào ban đêm thấp hơn mức bình thường hoặc tổng lượng melatonin tiết ra nói chung thấp hơn so với mức bình thường của độ tuổi và giới tính.

Chứng giảm melatonin trong máu có thể có vai trò quan trọng trong chứng rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học, khiến giấc ngủ bị gián đoạn. Các chứng rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học thường gặp là: rối loạn giấc ngủ trì hoãn, rối loạn giấc ngủ đến sớm, rối loạn giấc ngủ không đều đặn và rối loạn giấc ngủ nhịp ngủ - thức không theo chu kỳ 24h.

Các loại rối loạn giấc ngủ này có thể làm một người bị thiếu ngủ hoặc giảm chất lượng giấc ngủ, qua đó có thể làm phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như: cao huyết áp, béo phì, kháng insulin, hội chứng rối loạn chuyển hóa, gia tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tiền liệt và gia tăng nguy cơ tiểu đường loại 2.

Nguyên nhân gây giảm melatonin máu có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Nguyên nhân nguyên phát đến từ các yếu tố tác động trực tiếp lên tuyến tùng như tổn thương hoặc khối u tuyến tùng.

Nguyên nhân thứ phát của chứng giảm melatonin máu đến từ các yếu tố của môi trường xung quanh hoặc của thuốc như: làm việc theo ca, quá trình lão hóa, bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer hoặc Parkinson, nhóm thuốc chẹn Beta, nhóm thuốc chẹn kênh xanxi, chất gây ức chế ACE.

Chứng tăng melatonin máu

Chứng tăng melatonin máu xảy ra khi một người có mức melatonin tiết ra vào ban đêm cao hơn bình thường, thường có thể kéo dài sang buổi sáng, so với lứa tuổi và giới tính. Phần lớn các trường hợp tăng melatonin máu xuất phát từ việc sử dụng các sản phẩm melatonin bổ sung hoặc đến từ một số thuốc ngủ có liên quan đến melatonin. Lượng melatonin tăng tự nhiên cao hơn mức bình thường là rất hiếm.

Các vấn đề sức khỏe có liên quan đến chứng tăng melatonin máu bao gồm:

  • Suy sinh dục do thiểu năng sinh dục: thiểu năng sinh dục là tình trạng cơ thể một người sản xuất ít hoặc không có hormone giới tính. Suy sinh dục do thiểu năng sinh dục là một dạng suy sinh dục do tuyến yên hoặc vùng dưới đồi của bạn có vấn đề.
  • Chán ăn tâm thần (Anorexia nervosa): đây là một dạng rối loạn ăn uống làm giảm ham muốn ăn uống, hạn chế calo và thức ăn do nỗi ám ảnh sợ tăng cân gây ra.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): PCOS là sự mất cân bằng nội tiết tố do buồng trứng của bạn tạo ra quá nhiều hormone nam.
  • Hạ thân nhiệt đồng thời tăng tiết mồ hôi (Spontaneous hypothermia hyperhidrosis): đây là một hội chứng hiếm gặp khi nhiệt độ cơ thể bị hạ xuống dù không ở trong môi trường lạnh trong khi mồ hôi lại đồng thời đổ ra quá nhiều.
  • Hội chứng Rabson-Mendenhall: có đặc điểm là sự kháng insulin nghiêm trọng, làm tăng lượng đường trong máu, có thể gây tiểu đường. Hội chứng Rabson-Mendenhall cũng có thể làm phì đại tuyến tùng.

Các triệu chứng của chứng tăng melatonin máu bao gồm: buồn ngủ vào ban ngày, hạ thân nhiệt, chóng mặt, giảm trương lực cơ.

Có nên uống melatonin bổ sung hay không?

Dù bổ sung melatonin có thể cải thiện giấc ngủ nhưng nó không chắc là phù hợp với tất cả mọi người. Cần trao đổi trước với chuyên gia để hiểu rõ về các tác dụng phụ và liều lượng phù hợp. Chất lượng và hàm lượng melatonin trong từng nhãn hiệu sản phẩm melatonin bổ sung cũng có nhiều khác biệt. Hàm lượng melatonin có thể cao hoặc thấp hơn so với chỉ số ghi trên nhãn hàng.

Một nghiên cứu cho thấy hàm lượng melatonin trong 31 nhãn hàng chế phẩm bổ sung dao động từ ít hơn 83% cho đến nhiều hơn 487% so với quảng cáo.

Nhìn chung, ngoài melatonin còn rất nhiều các yếu tố khác tác động lên giấc ngủ từ thói quen sinh hoạt, sử dụng các chất kích thích, sử dụng thuốc cho đến các rối loạn cảm xúc… Do đó, điều quan trọng cần nhớ là melatonin không phải là một loại “thần dược” có thể giải quyết tất cả các vấn đề giấc ngủ của bạn.

Nguồn tham khảo

Melatonin: What It Is & Function (clevelandclinic.org)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ