Thống kê tại Mỹ có khoảng 50 triệu người mắc các chứng liên quan đến rối loạn giấc ngủ. Vậy rối loạn giấc ngủ là gì và những dấu hiệu nào để nhận biết?
Bài cùng thể loại

Rất nhiều các vấn đề rắc rối mà bạn gặp phải liên quan đến giấc ngủ có thể được giải quyết đơn giản thông qua việc thay đổi hành vi, thói quen hoặc lối sống để có giấc ngủ tốt hơn. Tuy nhiên, nếu mắc phải chứng rối loạn giấc ngủ, bạn nên có sự can thiệp y tế của chuyên gia để có phương pháp điều trị đúng và hiệu quả.

Rối loạn giấc ngủ là gì?

Rối loạn giấc ngủ là một thuật ngữ chỉ các tình trạng sức khỏe ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, thời gian ngủ và thời lượng ngủ cũng như khả năng hoạt động bình thường khi thức. Rối loạn giấc ngủ có thể gây ra một số vấn đề sức khỏe khác, cũng như có thể là triệu chứng tiềm ẩn của một số vấn đề sức khỏe tâm thần.

Ngủ ngáy có thể là một triệu chứng của chứng Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. 

Thống kê và phân loại các chứng rối loạn giấc ngủ thay đổi theo thời gian kể từ năm 1979, khi Hiệp hội Rối loạn Giấc ngủ Hoa Kỳ công bố bảng phân loại đầu tiên. Hiện nay, thống kê có khoảng 100 chứng rối loạn giấc ngủ, được phân loại dựa trên các dấu hiệu chính bao gồm:

  • Bạn gặp vấn đề khi đi vào giấc ngủ hay duy trì giấc ngủ?
  • Bạn có khó khăn khi duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày hay không?
  • Bạn có mất cân bằng trong nhịp sinh học, làm cản trở lịch ngủ - thức lành mạnh trong ngày hay không?
  • Bạn có những hành vi bất thường trong lúc ngủ hay không?

Phân loại rối loạn giấc ngủ

Theo Bảng Phân loại Quốc tế về Rối loạn Giấc ngủ (International Classification of Sleep Disorders - ICSD), danh mục các nhóm rối loạn giấc ngủ chính bao gồm:

  • Mất ngủ - Insomnia: Khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ
  • Rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ - Sleep-related breathing disorders: hơi thở của bạn thay đổi khi ngủ.
  • Rối loạn trung ương của chứng buồn ngủ quá mức - Central disorders of hypersomnolence: bạn khó duy trì sự tỉnh táo vào ban ngày.
  • Rối loạn nhịp sinh học ngủ/thức - Circadian rhythm sleep-wake disorders: khó ngủ và khó thức dậy đúng giờ thông thường.
  • Chứng mất ngủ giả - Parasomnias: bạn có thể nói chuyện hoặc thực hiện các hành động khi ngủ như đi bộ, nói chuyện hoặc ăn uống khi ngủ. Điển hình là chứng mộng du.
  • Rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ - Sleep-related movement disorders: bạn cử động cơ thể hoặc mong muốn cử động cơ thể như tay chân là khó ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ.

Trong các nhóm rối loạn chính này, thống kê có đến hơn 80 loại rối loạn giấc ngủ, trong đó phổ biến nhất là:

  • Mất ngủ mạn tính
  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn - Obstructive sleep apnea
  • Hội chứng chân không yên - Restless legs syndrome
  • Chứng ngủ rũ - Narcolepsy
  • Rối loạn giấc ngủ khi làm việc theo ca - Shift work sleep disorder
  • Hội chứng ngủ muộn - Delayed sleep phase syndrome
  • Rối loạn hành vi giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (giấc ngủ REM)

Ảnh minh họa

Một số triệu chứng – dấu hiệu chung của các chứng rối loạn giấc ngủ

Các chứng rối loạn khác nhau thì có các triệu chứng khác nhau, tuy nhiên có thể liệt kê một số triệu chứng cơ bản như sau:

  • Khó khăn khi đi vào giấc ngủ: bạn phải mất nhiều hơn 30 phút mới có thể ngủ được
  • Khó khăn khi duy trì giấc ngủ: bạn thường thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại
  • Ngáy, thở hổn hển hoặc khó thở khi ngủ.
  • Cảm giác bồn chồn, thôi thúc không cưỡng lại được muốn cử động lúc ngủ. Chỉ khi nào cử động thì mới giảm được cảm giác này.
  • Cảm giác như không thể di chuyển khi thức dậy.

Ngoài ra còn một số dấu hiệu nhận biết thêm và một số triệu chứng xuất hiện vào ban ngày có nguyên nhân từ việc bạn không ngủ ngon vào ban đêm như:

  • Buồn ngủ vào ban ngày, ngủ trưa nhiều hoặc ngủ quên khi đang làm việc.
  • Khó tập trung hoặc chú ý.
  • Thay đổi cảm xúc, cáu gắt, khó khăn để kiểm soát cảm xúc.
  • Hiệu suất công việc không cao, khó hoàn thành công việc.
  • Thường phạm lỗi, tai nạn, té ngã

Với các dấu hiệu và triệu chứng này, nhiều khả năng bạn đang mắc một chứng rối loạn giấc ngủ nào đó. Bạn nên cân nhắc tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ và các cơ sở y tế phù hợp để điều trị hiệu quả.

Những nguyên nhân dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ

Sự gián đoạn chu kỳ ngủ - thức của cơ thể gây ra chứng rối loạn giấc ngủ. Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng rối loạn giấc ngủ tùy thuộc vào loại rối loạn giấc ngủ mà bạn gặp phải. Dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp gây rối loạn giấc ngủ:

  • Rối loạn giấc ngủ có nguyên nhân từ một triệu chứng của một loại bệnh lý nào đó như bệnh tim, hen suyễn, các chứng đau nhức cơ thể hoặc các vấn đề liên quan đến thần kinh.
  • Tác động của một số vấn đề sức khỏe tâm thần như suy nhược như trầm cảm hoặc rối loạn lo âu.
  • Các yếu tố di truyền (đột biến)
  • Các tác dụng phụ của một số loại thuốc men.
  • Làm việc theo ca ban đêm.
  • Sử dụng các chất kích thích trước khi ngủ như cồn, caffeine.
  • Não bị Thiếu một số hóa chất hoặc khoán chất.
  • Một số nguyên nhân khác vẫn chưa xác định được.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến chứng rối loạn giấc ngủ.

Bạn sẽ có nhiều nguy cơ mắc chứng rối loạn giấc ngủ hơn người khác nếu bạn đang có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bạn bị stress, làm việc theo ca muộn, có tiền sử gia đình có người bị rối loạn giấc ngủ.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy phụ nữ và những người được xác định giới tính nữ tại thời điểm sinh ra có xu hướng mắc rối loạn giấc ngủ cao hơn so với nam giới và những người được xác định là giới tính nam tại thời điểm sinh ra.

Bên cạnh đó, khoảng phân nửa số người trên 65 tuổi đều có mắc một chứng rối loạn giấc ngủ nào đó.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn không ngủ đủ giấc?

Hiểu một cách đơn giản, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc so với nhu cầu của cơ thể có thể khiến bạn gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập, việc ra quyết định cũng như tác động tiêu cực đến trí nhớ. Bên cạnh đó, bạn còn có thể thể bị thay đổi tính cách như luôn tỏ ra cáu kỉnh, khả năng phản ứng của bạn chậm hơn dẫn đến việc bạn có thể mắc nhiều lỗi hơn trong công việc và sinh hoạt hoặc có thể gây ra tai nạn.

Ngoài ra, thiếu ngủ, mất ngủ còn có thể dẫn đến các chứng bệnh như béo phì, tiểu đường type 2, trầm cảm, bệnh tim, chứng mất trí nhớ. Dù hiếm gặp, nhưng vẫn có một số loại rối loạn giấc ngủ có thể nguy hiểm cho tính mạng.

Theo Cleveland Clinic, Sleep Foundation

 

Nguồn tham khảo
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11429-sleep-disorders
  • https://www.sleepfoundation.org/sleep-disorders

 

Xem thêm

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ