Giấc ngủ rất quan trọng với trẻ em. Nhìn chung trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn. Những trẻ được ngủ đủ giấc thường có xu hướng phát triển vóc dáng nhanh và hoạt động tốt hơn ở trường lớp. Trẻ được ngủ đủ giấc cũng ít có nguy cơ mắc phải các chứng trầm cảm, lo âu hay những vấn đề sức khỏe tâm thần khác.
Bài cùng thể loại

Dù vậy, không ít các bậc phụ huynh thường phải đánh vật với việc làm sao cho trẻ ngủ. Thậm chí, nhiều trường hợp, việc chăm sóc giấc ngủ cho trẻ là cả một áp lực cho phụ huynh khi chúng hoặc là dỗ mãi không chịu ngủ còn hoặc là cứ thức giấc thường xuyên suốt đêm, làm cả cha mẹ lẫn con trẻ cùng căng thẳng và kiệt sức.

Các vấn đề về rối loạn giấc ngủ ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán hơn so với người lớn. Các số liệu thống kê tại Mỹ cho thấy các vấn đề giấc ngủ tác động tới khoảng  25 – 50% trẻ em và khoảng 40% ở trẻ dậy thì.

Tại sao giấc ngủ lại quan trọng với trẻ em?

Như đã biết, nhìn chung ở mọi độ tuổi, giấc ngủ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí não của trẻ em. Giấc ngủ tác động đến các khía cạnh trong đời sống tinh thần của trẻ như: khả năng tỉnh táo và chú ý, khả năng nhận thức, cảm xúc, khả năng hồi phục, khả năng học hỏi, tiếp thu từ vựng, khả năng ghi nhớ.

Với trẻ đang học đi, các giấc ngủ ngắn là cần thiết để củng cố trí nhớ, khả năng tập trung và phát triển các kỹ năng vận động. Giấc ngủ còn tác động lên sự phát triển nhiều mặt của trẻ, đặc biệt trong những giai đoạn đầu của thời thơ ấu.

Trẻ không ngủ đủ giấc, thiếu ngủ có thể trở nên cáu gắt hoặc hiếu động thái quá với các biểu hiện gần giống như chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Sự buồn ngủ có thể ảnh hưởng đến sự chú ý của trẻ, ảnh hưởng đến đến năng lực thể hiện của chúng tại trường học.

Thống kê tại Mỹ, khoảng ¼ trẻ dưới 5 tuổi không ngủ đủ giấc. Đây là một con số đáng lo ngại vì sự thiếu ngủ ở trẻ em có thể liên quan đến các chứng bệnh như viêm mũi dị ứng, các vấn đề ở hệ miễn dịch, cũng như lo âu và trầm cảm. Ngoài ra cũng có một số bằng chứng mới đây cho thấy, chất lượng giấc ngủ của trẻ không tốt có thể gây ra các vấn đề về tim mạch, béo phì, tiểu đường, huyết áp cao trong tương lai.

Đến tuổi dậy thì, ngủ không đủ có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập và sức khỏe tâm thần. Tại Mỹ, một số tổ chức và hiệp hội y khoa cùng thống nhất công nhận mất ngủ mãn tính ở trẻ vị thành niên là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng, nguy cơ dẫn đến lạm dụng chất gây nghiện, sức khỏe tâm thần, tai nạn và chấn thương.

Trẻ em có phát triển trong lúc chúng ngủ không?

Trong quá trình ngủ, cơ thể trẻ tiết ra các loại hormone quan trọng cho sự phát triển thể chất. Đơn cử trong giấc ngủ REM, cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng có vai trò quan trọng giúp tái tạo và sản sinh tế bào. Ngược lại, ngủ không đủ giấc khiến trẻ bị đình trệ trong các giai đoạn phát triển.

Khi được ngủ đầy đủ, trẻ sẽ có tiến bộ trong khả năng chú ý và cải thiện cảm xúc, giảm sự bốc đồng và hiếu động thái quá. Ở chiều ngược lại, giấc ngủ không tốt có thể làm gia tăng ở trẻ cảm xúc tiêu cực, cáu gắt, lo âu, trầm cảm cũng như giảm năng lực học tập.

Giấc ngủ của trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh chưa hình thành cơ chế nhịp sinh học nên chúng ngủ suốt ngày đêm, thức giấc thường xuyên và ngủ cũng bất chợt, không quan trọng đó là đêm hay ngày. Đây quả là một áp lực lớn cho các bậc cha mẹ khi chăm trẻ trong giai đoạn này.

Trẻ mới sinh cần được ngủ bình quân khoảng 14 – 17 tiếng mỗi ngày. Từ 4-11 tháng tuổi thời lượng ngủ cần thiết của trẻ giảm lại còn khoảng từ 12 – 15 tiếng. Đây là các giấc ngủ không liên tục, khi trẻ thức giấc thường xuyên trong đêm và ngủ nhiều giấc vào ban ngày.

Tại sao trẻ sơ sinh cần ngủ nhiều?

Các chuyên gia tin rằng trí não của trẻ sơ sinh phát triển rất nhanh và giấc ngủ hỗ trợ tốt cho quá trình này. Trong năm đầu tiên, não của trẻ phát triển nhanh về kích thước. Não của trẻ bắt đầu hình thành mối liên kết giữa hai bán cầu não trái và phải rất quan trọng cho quá trình nhận thức sau này.

Nhiều trẻ cũng phát triển cân nặng lên gấp đôi chỉ trong 5 tháng đầu tiên. Nhiều bằng chứng cho thấy có mối liên quan giữa thời gian ngủ nhiều và tốc độ phát triển về thể chất của trẻ.

Tại sao trẻ sơ sinh thường xuyên thức giấc?

Trẻ thức giấc nhiều lần trong đêm không phải là hiện tượng hiếm gặp. Dạ dày và bụng của trẻ nói chung còn khá nhỏ, do vậy chúng cần được ăn thường xuyên để bù đắp đủ nhu cầu dinh dưỡng. Chúng thức dậy đôi khi đơn giản chỉ là vì đói. Chúng cũng có thể cảm thấy khó chịu đâu đó trên cơ thể và cần được thay đổi tư thế. Đây không phải là điều đáng lo ngại và dần dần càng lớn hơn chúng càng giảm lại.

Giấc ngủ của trẻ em và trẻ trong độ tuổi đi học.

Qua giai đoạn sơ sinh, khi bắt đầu học đi, trẻ vẫn cần được ngủ nhiều để phát triển về thể chất và tinh thần. Mặc dù thỉnh thoảng trẻ có thức giấc giữa đêm, tuy nhiên giấc ngủ của chúng có phần duy trì ổn định hơn và trẻ ngủ độc lập hơn.

Trẻ trong trong độ tiểu học cho đến trước khi dậy thì, mặc dù có nhiều tiến bộ, gặp một số vấn đề về giấc ngủ như: thức giấc trong đêm, ngủ không đúng giờ, đái dầm hoặc mất ngủ. Trẻ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo âu hay rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) có thể rất nhạy cảm với các vấn đề giấc ngủ hoặc khó ngủ đúng giờ. Phần nhiều chúng có thể tự vượt qua mà không cần can thiệp nếu có sự thấu hiểu và hỗ trợ từ phụ huynh. Một số khác kéo dài dai dẳng cần đến sự can thiệp y tế.

Trẻ cần ngủ bao lâu là đủ?

Trẻ trong độ tuổi biết đi cần ngủ từ 11-14 giờ mỗi ngày. Trẻ từ 3 -5 tuổi nên được ngủ từ 10-13 giờ mỗi ngày. Trong khi đó trẻ lớn hơn, từ 6 -13 tuổi cần được ngủ từ 9 -11 giờ và trẻ vị thành niên nên ngủ từ 8-10 giờ mỗi ngày. Đây chỉ là các chỉ số ước lượng bình quân, phù hợp chung với số đông. Mỗi trẻ sẽ có một nhu cầu ngủ riêng, phù hợp với từng người. Nếu trẻ ngủ nhiều hay ít hơn một chút cũng không phải là vấn đề nghiêm trọng.

Tại sao bọn trẻ lại không muốn đi ngủ?

Có hàng tá lý do khiến bọn trẻ không muốn lên giường đúng giờ, thậm chí ngay cả khi chúng đã rất mệt. Một số trẻ có thể gặp khó khăn để thư giãn thần kinh, làm dịu cơ thể lại để ngủ. Một số đứa lại hay không chịu ngủ và gây gỗ với cha mẹ nhằm mục đích thu hút sự chú ý của cha mẹ. Bọn trẻ cũng có thể lo lắng, sợ hãi hoặc buồn bã về việc gì đó mà nếu tránh đi vào giường ngủ cũng sẽ giúp chúng tránh các cảm xúc tiêu cực này.

Một số chuyên gia còn đưa ra giả thuyết cho rằng, trẻ không muốn đi ngủ mỗi đêm là bởi sự không phù hợp về mặt tiến hóa khiến trẻ, trong vô thức, cảm thấy sợ khi phải ở một mình trong bóng tối. Giả thuyết này lý giải vì sao trong những gia đình sớm cho con trẻ ngủ riêng, trẻ thường có xu hướng sợ phải đi ngủ một mình.

Theo đó, từ hàng ngàn năm trước, thời hái lượm và săn bắt, con người phải đối mặt với rất nhiều các hiểm nguy trong môi trường tự nhiên hoang dã, từ đó tổ tiên chúng ta đã kết nối lại với nhau thành các bầy đàn, nhóm người để che chở cho nhau. Thời gian ngủ là một khoảng thời gian đầy hiểm họa khi tổ tiên chúng ta, đặc biệt là trẻ em, dễ trở thành những con mồi cho các loại thú ăn thịt. Trẻ nhỏ luôn được ngủ cùng người lớn và nhận được sự che chở.

Dẫu hôm nay trong xã hội văn minh, các mối hiểm nguy trong môi trường hoang dã không còn, nhưng nỗi lo sợ có tính bản năng đó vẫn được truyền lại trong quá trình tiến hóa. Nó lý giải vì sao trẻ nhỏ hay sợ phải đi ngủ một mình, cãi lời cha mẹ hoặc viện hàng tá lý do để không phải lên giường đi ngủ một mình mỗi tối.

Làm thế nào để bọn trẻ chịu ngủ?

Nếu trẻ cảm thấy sợ hoặc ghét lên giường đi ngủ, có thể thực hiện một thói quen nào đó để thư giãn trước khi đi ngủ để trẻ cảm thấy bình tĩnh và làm dịu tinh thần để đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Nếu trẻ không chịu đi ngủ đơn giản vì muốn gây sự chú ý, cha me hãy dành nhiều thời gian hơn cho con cả trước, trong và sau khi ngủ. Sử dụng đèn ngủ, ngủ chung với anh chị em ruột, tâm sự với cha mẹ, người thân về điều mà trẻ đang lo lắng sẽ giúp chúng an tâm hơn khi lên giường.

 

Nguồn tham khảo

Children and Sleep | Psychology Today

Why Young Children Protest Bedtime: Evolutionary Mismatch | Psychology Today

Children and Sleep | Sleep Foundation

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ