Chiều cao ở một người được hình thành từ nhiều yếu tố, phần nhiều là nằm ngoài khả năng chi phối của con người. Tuy nhiên, các đặc điểm của lối sống như chế độ dinh dưỡng và giấc ngủ cũng có thể có tác động đến việc hình thành chiều cao.
Bài cùng thể loại

Dù vẫn chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định chắc chắn, một số nghiên cứu gần đây cho thấy việc được ngủ đầy đủ ở trong giai đoạn tuổi thơ và tuổi thiếu niên có tác động nhất định đến sự phát triển chiều cao.

Thiếu ngủ có tác động đến sự phát triển chiều cao hay không?

Giới nghiên cứu không khẳng định hoàn toàn rằng sự thiếu ngủ trong giai đoạn thơ ấu sẽ tác động đến chiều cao của một người khi trưởng thành. Dù sao thì mối liên hệ giữa giấc ngủ và phát triển chiều cao vẫn chưa được làm sáng tỏ đầy đủ. Ngoài giấc ngủ ra còn có các yếu tố di truyền, dinh dưỡng, môi trường sống tác động đến chiều cao.

Nghiên cứu cho thấy nhiều người bị thiếu chiều cao khi đến tuổi trưởng thành là do có bố mẹ hút thuốc trong khi đang mang thai, hoặc từ giai đoạn trẻ em họ đã không được tiếp cận đầy đủ dinh dưỡng hoặc bị phơi nhiễm trước một số loại hóa chất độc hại.

Dù vậy, bộ gene vẫn quyết định phần lớn chiều cao của một người. Có khoảng 3000 biến thể gene có liên quan đến sự phát triển chiều cao ở trẻ em để qua đó hình thành chiều cao ổn định ở người trưởng thành.

Bộ gene tác động đến chiều cao thông qua rất nhiều các quá trình, các cơ chế sinh học trong cơ thể, trong đó có các cơ chế kiểm soát các hormone có tác động đối với sự phát triển cơ thể.

Nghiên cứu cho thấy sự thiếu ngủ sẽ ức chế, làm giảm khả năng sản xuất ra hormone tăng trưởng ở người (Human growth hormone – hGH). Hormone hGH là tác nhân quan trọng giúp một người tăng trưởng chiều cao. Tuyến Yên là cơ quan phụ trách sản xuất ra hGH, chủ yếu tiết ra vào ban đêm. Do vậy, khi trẻ em bị thiếu ngủ có thể sẽ dẫn đến sự sụt giảm lượng hGH mà tuyến yên tiết ra.

Từ đây nhiều ý kiến cho rằng khi trẻ em được ngủ nhiều hoặc đơn giản là được ngủ đủ giấc so với lứa tuổi của mình sẽ có cơ hội tăng trưởng chiều cao tốt hơn do nhận được lượng hormone phát triển mà cơ thể tiết ra một cách đầy đủ.

Ngoài ra, một số lọai rối loạn giấc ngủ có tác động làm giảm chất lượng giấc ngủ, giảm giấc ngủ sâu cũng đều có thể làm giảm lượng hGH mà cơ thể tiết ra. Có thể thấy điều này qua một số rối loạn giấc ngủ điển hình như ngưng thở khi ngủ hay hội chứng chân không yên cũng có thể dẫn đến các tác động bất lợi đối với quá trình tiết ra hormone phát triển trong cơ thể trẻ em.

Quá trình phát triển chiều cao ở trẻ em diễn ra như thế nào?

Trong giai đoạn tuổi thơ, quá trình phát triển chiều cao diễn ra khi xương của trẻ được kéo dài ra. Quá trình kéo dài xương được cơ thể thực hiện thực hiện bằng cách phát triển các mô mới ở các sụn tăng trưởng. Sụn tăng trưởng nằm ở phần đầu của các xương dài, xương ống ở tay chân và các đốt sống ở trẻ. Sự phát triển ở các phần xương mới này do nhiều yếu tố kết hợp tạo thành.

Thường thì chúng ta không thể nhìn chiều cao của một đứa trẻ để dự đoán chiếu cao của nó khi trưởng thành. Phần lớn mọi người phát triển nhanh chiều cao thông qua một vài giai đoạn nhảy vọt. Thời điểm bước vào giai đoạn nhảy vọt chiều cao và mức độ gia tăng chiều cao ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào giới tính, tuổi tác, sức khỏe, mức độ trưởng thành.

Tuy nhiên, các giai đoạn phát triển chiều cao nhảy vọt nằm ở 3 giai đoạn quan trọng

  • Giai đoạn sơ sinh: giai đoạn đầu của trẻ sơ sinh có sự phát triển mạnh về chiều cao. Một số trẻ trong năm đầu có thể tăng đến 10 inches (25cm). Hầu như trong 2 năm đầu đời, trẻ phát triển chiều cao do tác động của các yếu tố di truyền là chủ yếu.
  • Giai đoạn thơ ấu: trẻ phát triển chiều cao ổn định từ năm 2 tuổi cho đến tuổi thiếu niên. Với hầu hết trẻ em, trong giai đoạn này, mỗi năm cao khoảng 2-4 inches (5 – 10cm).
  • Giai đoạn thanh thiếu niên (khoảng 10 - 19 tuổi): khi càng gần đến tuổi dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao càng tăng mạnh. Sự bùng nổ chiều cao này thường diễn ra trong giai đoạn từ 8 -13 tuổi tùy thuộc vào giới tính. Ở giai đoạn đỉnh điểm của sự bùng nổ này, trẻ em thường cao thêm từ 3 – 4 inches ( 7 – 10cm) mỗi năm.

Trong giai đoạn này, càng về sau sự phát triển chiều cao bắt đầu giảm dần khi các sụng tăng trưởng ngừng mở rộng và đóng hẳn. Thời điểm của quá trình này tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có việc trẻ phát triển sớm hay muộn. Một số trẻ phát triển muộn vì bệnh tật hoặc suy dinh dưỡng vẫn có thể tiếp tục phát triển chiều cao sau giai đoạn thiếu niên, để đạt đến chiều cao tiềm năng mà bộ gene của chúng quy định.



Khả năng can thiệp để tăng chiều cao ở trẻ em như thế nào?

Như đã phân tích, mặc dù chiều cao do yếu tố di truyền quyết định, song một số yếu tố như lối sống, môi trường, chế độ ăn uống và giấc ngủ có khả năng hỗ trợ phát triển chiều cao trong một chừng mực nào đó.

Một số phương pháp điều trị, can thiệp y tế giúp tăng cường chiều cao dành cho trẻ em đang  phát triển bình thường vẫn đang gây tranh cãi. Chúng bao gồm các phương pháp điều trị bằng cách bổ sung hormone phát triển hGH và uống thuốc để trì hoãn quá trình dậy thì để qua đó ngăn cản các sụn tăng trưởng ngừng mở rộng và đóng lại.  Các phương pháp này thường đắt tiền, xâm lấn và có nhiều tác dụng phụ tiêu cực.

Thực tế, một số trường hợp trẻ em bị thiếu hụt hormone phát triển có thể được bác sĩ chỉ định can thiệp bằng cách bổ sung hGH. Các trường hợp này thường không phổ biến. Tuy nhiên việc áp dụng phương pháp này cho trẻ em khỏe mạnh bình thường lại không nhận được sự đồng thuận. Cái giá phải trả cho nó là chi phí đắt đỏ, trẻ phải tiêm hormone hàng ngày trong nhiều năm liền nhưng không phải lúc nào cũng có tác dụng như mong muốn.

Một phương pháp khác để tăng chiều cao là phẫu thuật để kéo dài xương ra. Phẫu thuật kéo dài xương truyền thống thường được sử dụng dùng để can thiệp vào một số trường hợp chấn thương ở chân, dị tật bẩm sinh hoặc một loại bệnh tật nào đó làm ảnh hưởng đến chiều dài của chân. Hiện nay phẫu thuật này đang được quảng cáo như là một loại hình thẩm mỹ, được áp dụng cho người hoàn toàn khỏe mạnh và gây tranh cãi về múc độ rủi ro của chúng.

Hiện nay, cùng sự tác động của các xu hướng xã hội, nhiều trẻ em và thiếu niên có tâm lý lo ngại về chiều cao của mình, làm chúng thiếu tự tin và gặp khó khăn trong nhiều mới quan hệ xã hội. Trong chừng mực nào đó, khi lo ngại về chiều cao của con cái, các bậc phụ huynh có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia.

Mặc dù việc trẻ cao hơn hoặc thấp hơn so với bạn bè cùng trang lứa là bình thường, tuy nhiên một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào đó cũng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao ở trẻ em cần được quan tâm như:

  • Bệnh mãn tính.
  • Rối loạn di truyền.
  • Suy dinh dưỡng.
  • Nhiễm trùng.
  • Tác dụng của một số loại thuốc, bao gồm glucocorticoid và chất kích thích.
  • Một số vấn đề trong sức khỏe cảm xúc.

 

Nguồn tham khảo

Does Sleeping Make You Taller? | Sleep Foundation

Parents should know: Going to bed early will actually help your child grow taller | Vinmec

How Sleep Problems Affect Growth Hormone in Children (verywellhealth.com)

Adolescent health (who.int)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ