Tuổi teen thường được gắn với hình ảnh những con “cú đêm” vì thói quen thức khuya và dậy trễ, khiến nhiều bậc phụ huynh hết sức vất vả. Tuy nhiên, cần hiểu việc ngủ trễ ở độ tuổi này phản ánh nhiều thay đổi quan trọng trong thể chất và tinh thần gắn liền với quá trình dậy thì.
Bài cùng thể loại

Tuổi teen dao động trong khoảng từ 13 – 18 tuổi. Đây giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ ở trẻ em để biến thành người trưởng thành. Thể chất có bước nhảy vọt, hoạt động của não có những chuyển đổi quan trọng, trẻ em ở độ tuổi này có xu hướng khẳng định vị trí và bản sắc cá nhân và xây dựng các kỹ năng kiểm soát cảm xúc.

Các nghiên cứu cho thấy giấc ngủ có vai trò quan trọng trong sự phát triển ở độ tuổi này. Giai đoạn này trẻ cần ngủ từ 8-10 tiếng mỗi ngày để ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, thực tế là hầu hết người trẻ ở độ tuổi này thường ngủ ít hơn nhiều so với nhu cầu thật sự cần phải có.

Đặc trưng giấc ngủ của tuổi teen

Có thể dễ nhận thấy kiểu ngủ đặc trưng ở tuổi teen có sự lệch pha rõ rệt so với các độ tuổi khác và thậm chí xung đột với giờ giấc sinh hoạt chung của mọi người. Thể hiện rõ nhất qua nhịp ngủ thức độc nhất của độ tuổi này: thức khuya và dậy trễ. Điều này có nguyên nhân từ sự thay đổi đồng hồ sinh học chung của cơ thể diễn ra trong suốt giai đoạn này.

Theo đó, nhịp sinh học 24h bị trễ dần khi bước vào tuổi teen qua đó làm cho người trẻ trong giai đoạn này cảm giác tỉnh táo vào ban đêm, buồn ngủ trễ hơn người bình thường, trong khi lại không tỉnh táo vào buổi sáng. Cần hiểu rằng đây là điều tự nhiên và bình thường ở lứa tuổi này, không phải do trẻ muốn như vậy. Đây cũng có thể là một dạng của rối loạn giấc ngủ trì hoãn

Nhịp sinh học đặc biệt này thường gây xung đột với giờ giấc sinh hoạt chung của mọi người và các thông lệ, khuôn mẫu giờ giấc chung của xã hội vốn yêu cầu một một nhịp hoạt động sớm hơn. Chính điều này làm người trẻ tuổi teen dù đã thức khuya vào đêm trước không có cơ hội ngủ bù vào sáng hôm sau, từ đó làm tổng thời lượng ngủ giảm sút, không đạt số giờ ngủ cần thiết theo nhu cầu ở độ tuồi này. Điều này có thể làm trẻ bị thiếu ngủ hoặc không tỉnh táo và không đạt hiệu suất cao trong các hoạt động.

Ngoài nhịp sinh học lệch pha, giấc ngủ tuổi teen còn bị tác động mạnh từ các hoạt động xã hội, ứng xử xã hội và đặc biệt là các thiết bị công nghệ. Nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với các ánh sáng xanh từ các màn hình của các thiết bị điện tử, đặc biệt là điện thoại thông minh, trước giờ ngủ sẽ khiến não bị đánh lừa và không tiết ra hormone melatonin giúp gây buồn ngủ và duy trì giấc ngủ. Điều này khiến các teen càng khó ngủ.

Ngoài màn hình điện thoại ra, các nội dung mà các teen tương tác trên điện thoại cũng là cả một vấn đề. Trong quá trình tương tác mạng xã hội, dẫu tiếp nhận các nội dung thú vị, hào hứng hay các nội dung gây lo lắng, buồn phiền trước khi đi ngủ đều sẽ làm trẻ khó ngủ. Đặc biệt là các bình luận và so sánh tiêu cực trên mạng xã hội tác động rất mạnh vào cảm xúc của tuổi teen.

Ngay cả khi đã rất buồn ngủ, trẻ tuổi teen vẫn cố tình trì hoãn giấc ngủ để theo đuổi các nhiệm vụ, trò chơi hay các thú vui trên môi trường mạng. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động xã hội cũng lấy mất một lượng lớn thời gian ngủ của tuổi teen. Để bù lại, các teen có xu hướng ngủ ngắn, ngủ ngày, ngủ vào chiều muộn, hoặc ngủ li bì vào cuối tuần, dịp nghỉ lễ… càng khiến các bạn trẻ tuổi teen khó ngủ hơn vào ban đêm.

Làm thế nào để trẻ tuổi teen ngủ tốt hơn?  

Dù vậy, tuổi teen vẫn là khoảng thời gian quý báu để hình thành các thói quen tốt cho giấc ngủ. Để làm được điều này, các bậc phụ huynh cần có sự chia sẻ và thông cảm nhất định với nhịp sinh học tự nhiên của trẻ trong độ tuổi này, tôn trọng sự độc lập và tự chủ của trẻ, qua đó dần dần định hướng trẻ hình thành các thói quen ngủ thức lành mạnh.

Một số mẹo giúp trẻ tuổi teen ngủ ngon các bậc cha mẹ cần lưu tâm:

  • Trò chuyện và chia sẻ cùng trẻ về ý nghĩa, lợi ích mà một giấc ngủ lành mạnh có thể mang lại. Phụ huynh cũng cần tìm hiểu cái cách mà con mình và bạn bè cùng lứa tuổi hiểu về giấc ngủ như thế nào.
  • Trên cơ sở trẻ ý thức được tầm quan trọng của giấc ngủ, phụ huynh có thể khuyến khích trẻ tự quyết các vấn đề liên quan đến giấc ngủ của mình theo lịch trình hợp lý.
  • Làm cho trẻ hiểu rằng, ngủ ngon là cách tốt nhất để có đủ năng lực tinh thần và thể chất để chinh phục được những gì trẻ mong muốn. Ví dụ: nhờ ngủ ngon mà con đã hoàn thành sớm bài kiểm tra hoặc chơi nổi bật trong một trận bóng.
  • Có những giao ước về thưởng - phạt khi trẻ thực hành các lịch trình ngủ thức lành mạnh. Ví dụ: nếu không ngủ đủ thì không được đi chơi hoặc không được chạy xe vì dễ gây tai nạn.
  • Khuyến khích trẻ vận động ngoài trời, tắm mình trong ánh sáng tự nhiên sẽ giúp trẻ điều chỉnh nhịp sinh học phù hợp với nhịp sáng tối tự nhiên.
  • Dù khuyến khích trẻ tự quyết, tuy nhiên một số vấn đề nhất định phụ huynh cũng cần tỏ ra cương quyết. Đặc biệt là nên cấm sử dụng các thiết bị điện tử trên giường, trước giờ đi ngủ.
  • Hướng dẫn trẻ dọn dẹp và giữ phòng ngủ sạch sẽ, thoáng mát.
  • Đừng cho trẻ ngủ nướng vào các ngày cuối tuần hay lễ tết hoặc các đợt nghỉ dài ngày như nghỉ hè. Vì sau thời gian nà trẻ sẽ rất khó khăn khi quay lại lịch ngủ thức đúng giờ như trước.
  • Khuyến khích trường học bắt đầu giờ học tập muộn hơn. Tại Mỹ, một số trường đã bắt đầu cân nhắc ý tưởng bắt đầu giờ vào lớp từ 8h30 sáng theo khuyến cáo của Viện Nhi khoa Hoa Kỳ.
  • Tuổi teen có xu hướng quan sát, đánh giá và bị ảnh hưởng từ những điều cha mẹ làm. Do vậy để con thực hành vệ sinh giấc ngủ lành mạnh, phụ huynh hãy làm gương.

 

Nguồn tham khảo

Sleep for Teenagers | Sleep Foundation

Teenagers and Sleep: How Much Sleep Is Enough? | Johns Hopkins Medicine

What To Know about Teens and Sleep - National Sleep Foundation (thensf.org)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ