Nhìn chung cả nam và nữ giới ở tuổi trưởng thành đều có nhu cầu ngủ gần tương đương nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số khác biệt trong cách ngủ giữa phụ nữ và nam giới có nguyên nhân từ đặc điểm sinh học tự nhiên cũng như vị trí xã hội của cả hai giới.
Bài cùng thể loại

Những khác biệt này thể hiện qua nhu cầu ngủ, chu kỳ giấc ngủ, nhịp sinh học, chất lượng giấc ngủ, tác động của các nội tiết tố (hormone) cũng như khác biệt trong nguy cơ mắc một số bệnh lý về giấc ngủ.

Nhu cầu và thời gian ngủ

Nhìn chung, thống kê cho thấy phụ nữ có tổng số giờ ngủ trung bình cao hơn nam giới , tính chung cả giấc ngủ ban đêm lẫn ban ngày. Trung bình, phụ nữ ngủ nhiều hơn  nam giới từ 5 -28 phút, tùy thuộc vào độ tuổi thống kê.

Tuy nhiên, dù ngủ nhiều hơn nhưng phụ nữ thường phàn nàn về chất lượng giấc ngủ của mình. Nhiều chuyên gia cho rằng họ ngủ nhiều hơn nam giới để bù đắp lại chất lượng giấc ngủ không tương xứng như mong đợi.

Chu kỳ giấc ngủ

Nhiều nghiên cứu cho thấy, từ tuổi 30-40 trở đi nam giới và nữ giới có cấu trúc giấc ngủ khác nhau. Ví dụ một nghiên cứu về giấc ngủ cho thấy ở độ tuổi 30 nam giới thường dành nhiều thời gian cho những giai đoạn giấc ngủ nông nhiều hơn giấc ngủ sâu và giấc ngủ REM.

Nhịp sinh học

Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự khác biệt về nhịp sinh học giữa nam và nữ giới. Theo đó, trong một chu kỳ hoạt động khoảng 24 giờ, đồng hồ sinh học của phụ nữ có xu hướng ngắn hơn vài phút so với nam giới. Bên cạnh đó, nhịp sinh học hàng ngày của phụ nữ cũng có xu hướng sớm hơn  nam giới, điều này có thể giải thích vì sao phụ nữ thường đi ngủ sớm và dậy sớm hơn nam giới.

Hormone

Hormone là nhân tố chủ yếu, quyết định sự khác biệt giữa nam và nữ trong sức khỏe giấc ngủ. Phụ nữ chịu tác động rất lớn từ sự thay đổi lượng hormone tiết ra trong cơ thể qua các chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng cũng như qua các chặng đường đời.

Chu kỳ kinh nguyệt: Sự suy giảm đáng kể hormone trước ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt có làm thay đổi tâm trạng và dẫn đến khó ngủ hoặc làm giấc ngủ bị gián đoạn. Các triệu chứng này càng đặc biệt rõ ràng  và nghiêm trọng với phụ nữ mắc Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) hoặc Hội chứng rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (Premenstrual dysphoric disorder – PMDD).

Thời gian mang thai: Sự thay đổi hormone bắt đầu từ giai đoạn đầu mang thai, tuy nhiên các bà bầu thường cho biết giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng mạnh vào giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba, tức ba tháng cuối của thai kỳ. Khoảng hơn phân nửa phụ nữ có thai cho biết họ bị mất ngủ. Các vấn đề về giấc ngủ trong giai đoạn mang thai vẫn tiếp diễn cho đến sau khi sinh con.

Giai đoạn mãn kinh: sự thay đổi các hormone trong cơ thể phụ nữ đã bắt đầu từ vài năm trước giai đoạn mãn kinh, được gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. Sự thay đổi hormone làm thay đổi nhịp sinh học của phụ nữ và cũng như các triệu chứng khó chịu như nóng bứt hay đổ mồ hôi đêm, tác động tiêu cực đến sức khỏe giấc ngủ của phụ nữ trong giai đoạn này.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nam giới cao tuổi. Ở giai đoạn này lượng hormone tăng trưởng suy giảm trong khi lượng cortisol, loại hormone gây căng thẳng lại gia tăng. Sự thay đổi nội tiết tố này vừa là hệ quả của giấc ngủ kém nhưng cũng đồng thời là nguyên nhân góp phần làm giảm chất lượng và thời gian giấc ngủ.

Nam giới cao tuổi cũng có thể bị suy giảm testosterone, từ đó có thể làm chất lượng giấc ngủ bị suy giảm theo và tăng nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA). Một số bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa béo phì, giấc ngủ và testosterone. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu mới để khẳng định mối liên hệ này.

Các vấn đề sức khỏe tác động đến giấc ngủ của nam và nữ

Như đã biết, một số bệnh tật tiềm ẩn trong cơ thể có thể gây ra nhiều vấn đề về giấc ngủ. Cùng một loại bệnh nhưng chúng có thể tác động lên giấc ngủ của nam và nữ theo những cách khác nhau.

Nam giới có nguy cơ cao trong các bệnh về tim mạch và các vấn đề về bệnh phổi mạn tính. Cả hai đều có tác động tiêu cực đến giấc ngủ. Nam giới còn có xu hướng sử dụng rượu bia nhiều hơn, có thể làm thay đổi cấu trúc giấc ngủ và giảm chất lượng giấc ngủ.

Nữ giới thường có xu hướng bị rối loạn lo âu dẫn đến khó ngủ. Phụ nữ thường bị ợ nóng và trào ngược axit cũng dẫn đến giảm chất lượng giấc ngủ.

Khác biệt giữa nam và nữ khi ngủ chung.

Nhìn chung, nhiều nghiên cứu đã cho thấy chất lượng giấc ngủ sẽ tốt hơn khi mỗi người ngủ riêng. Tuy nhiên, thực tế các cặp đôi thường cho biết họ cảm thấy an toàn và ngủ ngon hơn khi ngủ cùng bạn tình hoặc vợ/chồng. Tất nhiên, các cặp đôi có mối quan hệ nồng ấm tích cực thường có giấc ngủ tốt hơn các cặp đôi đang trục trặc. Ở các cặp đôi lớn tuổi, ngủ chung có thể giúp hỗ trợ cải thiện tốt giấc ngủ cho cả hai.

Tuy nhiên ngủ chung cũng có những tác động khác nhau đến nam và nữ. Nam giới thường ngáy nên có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của người ngủ cùng. Ngoài ra giữa nam và nữ có sự khác biệt đôi chút về nhịp sinh học cũng có thể khiến giấc ngủ của cả hai bị gián đoạn vì người kia.

Các chuẩn mực xã hội và văn hóa tác động đến giấc ngủ

Khác biệt về giới tính trong các chuẩn mực văn hóa và kỳ vọng xã hội có các tác động khác nhau lên giấc ngủ. Phụ nữ thường đóng vai trò là người chăm sóc cho cả gia đình từ trẻ con đến người già. Việc này có thể làm họ bị stress, khó ngủ hoặc bị gián đoạn giấc ngủ.

Các chuẩn mực văn hóa xã hội về giới cũng là yếu tố quan trọng về cơ hội việc làm, thời gian làm việc, sự phân chia các trách nhiệm trong gia đình. Các chuẩn mực này có thể tác động lên cả hai giới và ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Các loại rối loạn giấc ngủ thường gặp ở nam và nữ

Các rối loạn giấc ngủ thường ảnh hưởng khác nhau giữa nam và nữ. Phụ nữ thường dễ bị mất ngủ hơn với nguy cơ bị mất ngủ cao hơn 40% so với nam giới. Ngoài ra, chứng mất ngủ ở phụ nữ thường khá phức tạp với rất nhiều triệu chứng, trong khi phần đông nam giới thường chỉ ghi nhận có 1 triệu chứng chính.

Với hội chứng chân không yên, phụ nữ có tỷ lệ mắc cao hơn hơn nam giới, đặc biệt trong giai đoạn mang thai.

Nam giới mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn phổ biến hơn phụ nữ. OSA tác động đến khoảng 15 – 30% nam giới và 10 -15% phụ nữ. OSA làm người bệnh bị gián đoạn giấc ngủ liên tục nhiều lần trong đêm và là nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, trầm cảm. 

Mặt khác, phụ nữ thường có xu hướng mô tả các triệu chứng của OSA khác  nam giới, do vậy nhiều trường hợp họ không được chẩn đoán đúng bệnh hoặc không đến các phòng khám chuyên khoa phù hợp để phát hiện OSA.

Một số khác biệt trong giấc ngủ giữa nam và nữ

  • Thời gian tiềm thời giấc ngủ (thời gian để đi vào giấc ngủ) của phụ nữ dài hơn nam giới.
  • Phụ nữ dưới 55 tuổi thường có xu hướng buồn ngủ nhiều hơn nam giới
  • Phụ nữ lớn tuổi thường có xu hướng ngủ ít hơn nam giới khoảng 20 phút.
  • Phụ nữ thường có giấc ngủ sóng chậm (ngủ sâu) nhiều hơn và ít giấc ngủ NREM giai đoạn 1.
  • Điện não đồ Delta bình thường ở phụ nữ lớn tuổi thấp hơn nam giới lớn tuổi.

 

Khác biệt nam và nữ trong các rối loạn giấc ngủ

  • Phụ nữ có nguy cơ mất ngủ cao hơn nam giới 40%.
  • Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng chân không yên cao hơn 2 lần so với nam giới.
  • Phụ nữ đã mắc hội chứng chân không yên thì có nhiều nguy cơ mắc các bệnh đi kèm khác hơn so với nam giới.
  • Nam giới có nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cao hơn phụ nữ.
  • Rối loạn hô hấp giấc ngủ REM phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, và phổ biến ở nam/nữ dưới 55 tuổi hơn so với lứa tuổi cao hơn.
  • Trầm cảm có liên quan khá chặt chẽ đến chứng ngưng thở khi ngủ ở phụ nữ.

 

Khác biệt giữa nam và nữ trong ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

  • Phụ nữ thường diễn tả triệu chứng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khác với nam giới.
  • Nam giới thường có chỉ số ngưng thở - giảm thở cao hơn phụ nữ ở mọi độ tuổi.
  • Tỷ lệ vòng eo – hông, chỉ số có liên quan đến sự cân đối của cơ thể, được sử dụng để dự đoán OSA ở nam giới nhiều hơn phụ nữ.
  • Phụ nữ bị tắc nghẽn đường thở một phần nhiều hơn nam giới.
  • Phụ nữ thường thấp điểm hơn trên thang đo buồn ngủ ban ngày EPWORTH.
  • Sự thay đổi chất trắng trong hệ thần kinh trung ương thường diễn ra ở phụ nữ mắc OSA nhiều hơn nam.
  • Cùng mức độ nghiêm trọng như nhau nhưng phụ nữ thường ít yêu cầu sử dụng máy trợ thở CPAP so với nam giới.
  • Phụ nữ chuyển hóa thuốc zolpidem, một loại thuốc an thần gây ngủ, chậm hơn 50% so với nam giới.

 

Nguồn tham khảo

Exploring Sex and Gender Differences in Sleep Health: A Society for Women's Health Research Report - PMC (nih.gov)

How Is Sleep Different For Men and Women? | Sleep Foundation

 

Tại sao ngưng thở khi ngủ ở phụ nữ khó phát hiện hơn so với nam giới?
Theo ước đoán, cứ 5 ngườ phụ nữ thì có một người mắc chứng rối loạn ngưng thở khi ngủ. Trong đó, phần lớn những người mắc đều không biết vể tình trạng của mình, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tật nghiêm trọng hơn.

Tại sao phụ nữ bị mất ngủ nhiều hơn?
Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mất ngủ ở phụ nữ cao hơn nam giới. Một số ước tính cho thấy nguy cơ mất ngủ trong suốt cuộc đời của phụ nữ cao hơn nam giới đến 40%. Các chuyên gia cho rằng tình trạng mất ngủ phổ biến ở phụ nữ xuất phát từ nhiều nguyên nhân liên quan đến giới tính cũng như nhiều yếu tố khác.

Tại sao phụ nữ cần ngủ nhiều hơn nam giới ?
So với nam giới, phụ nữ gặp nhiều vấn đề trong giấc ngủ hơn khiến giấc ngủ thường không trọn vẹn. Nhiều chuyên gia tin rằng, nhiều phụ nữ dành nhiều hơn thời gian để ngủ, gồm cả những giấc ngủ ngắn ban ngày, để bù lại cho tình trạng thiếu ngủ hoặc ngủ chập chờn, ngủ không sâu mà họ gặp phải do tác động từ nhiều yếu tố.

Các vấn đề, bệnh lý phụ nữ thường gặp phải với giấc ngủ
Ở phụ nữ, các đặc điểm sinh lý tự nhiên như chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hay mãn kinh đều có ảnh hưởng đáng kể đến giấc ngủ. Bên cạnh đó, các hormone như estrogen hay progesteron dao động mỗi tháng hoặc thay đổi theo từng giai đoạn tuổi tác cũng mang đến những tác động đến nhu cầu và chất lượng giấc ngủ của phụ nữ.
Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ