Nhiều người gặp phải tình trạng rất khó chịu khi buồn ngủ và mệt mỏi nhưng chân lại có một thôi thúc phải động đậy hay co giật khiến giấc ngủ bị gián đoạn hoặc khó ngủ. Đây là là một trong những triệu chứng điển hình của hội chứng chân không yên.
Bài cùng thể loại

Hội chứng chân không yên là gì?

Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome – RLS)  là một tình trạng sức khỏe liên quan đến não, dây thần kinh và giấc ngủ mà trong đó người mắc có một thôi thúc mạnh mẽ, không cưỡng lại được phải vận động chân. Triệu chứng thường xảy ra khi người mắc đi ngủ vào ban đêm, thỉnh thoảng đi kèm thêm triệu chứng đau và nhói ở chân.

Tất cả các triệu chứng này của hội chứng chân không yên thường khiến người mắc khó ngủ hoặc gián đoạn giấc ngủ. Hội chứng  còn được gọi bằng cái tên là bệnh Willis-Ekbom. RLS có hai dạng là:

  • Khởi phát sớm: thường xảy ra trước 45 tuổi, RLS thường được truyền lại từ các thế hệ trong gia đình và tình trạng tiến triển chậm.
  • Khởi phát muộn: thường xảy ra sau 45 tuổi và tình trạng tiến triển nhanh.

Thống kê tại Mỹ, có khoảng 7 – 10% dân số mắc RLS. Nó khá phổ biến trong số người da trắng và nữ giới. Càng lớn tuổi càng có nguy cơ mắc hội chứng này.

RLS có thể ảnh hưởng tới tất cả mọi người từ người lớn đến thiếu niên và trẻ con. RLS thường tác động nhiều đến người trên 50 tuổi, các triệu chứng có xu hướng tệ hơn khi càng lớn tuổi hơn.

Triệu chứng của hội chứng chân không yên

  • Các triệu chứng cơ bản của Hội chứng chân không yên bao gồm:
  • Cảm giác không thoải mái ở chân làm bạn mong muốn phải di chuyển chân.
  • Cảm giác càng khó chịu hơn khi bạn nghỉ ngơi.
  • Cảm giác khó chịu sẽ giảm đi nếu bạn di chuyển chân mình.
  • Co giật chân vào buổi tối và trong lúc ngủ.

Các tác động của hội chứng chân không yên đến giấc ngủ là:

  • Gián đoạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ.
  • Có một thôi thúc muốn ra khỏi giường để duỗi chân hoặc di chuyển.
  • Mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày.
  • Thay đổi cảm xúc và hành vi.
  • Khó chú ý, tập trung và khó ghi nhớ.
  • Trầm cảm, lo âu.

Bên cạnh thôi thúc muốn “động đậy” hai chân, người mắc còn có thể bị thôi thúc này ở hai tay hoặc toàn cơ thể tạo thành các cảm giác chung như: ngứa ngáy, đau nhức, nhói, bỏng rát, căng kéo… Những cảm giác khó chịu này thường xảy ra một bên cơ thể, một bên chân. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp nó ảnh hưởng cùng lúc 2 bên, 2 chân của cơ thể.

Nguyên nhân của hội chứng chân không yên

Nguyên nhân của hội chứng này đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Nó có thể liên quan đến một phần nào đó trong não có chức năng vận động như hạch nền. Hạch nền sử dụng dopamine để quy định các chuyển động của cơ thể. Nếu hạch nền không có đủ lượng dopamine cần thiết thì nó sẽ không thể điều khiển các cử động của cơ thể một cách hiệu quả và dẫn đến hội chứng RLS.

Ngoài ra các chuyên gia còn cho rằng một số yếu tố khác có thể góp phần vào tình trạng này như:

  • Di truyền.
  • Thiếu chất sắt trong não dù máu vẫn bình thường.
  • Một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn có thể gây ra RLS thứ phát.
  • Một số loại thuốc men như: thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine hoặc thuốc chống buồn nôn có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm RLS đang có.

Một số tình trạng bệnh lý khác có thể gây ra hội chứng chân không yên như:

  • Mang thai.
  • Tiểu đường.
  • Thiếu sắt.
  • Bệnh thiếu máu.
  • Bệnh thận.
  • Các bệnh thần kinh ngoại biên.
  • Rối loạn sử dụng chất gây nghiện.

Các yếu tố có thể kích thích hội chứng chân không yên là:

  • Rượu bia.
  • Caffeine.
  • Nicotine.
  • Một số loại thuốc.
  • Căng thẳng

Chẩn đoán và xét nghiện hội chứng chân không yên

Đầu tiên các bác sĩ có thể kiểm tra thể chất để xem xét các triệu chứng, cùng lúc đó là thu thập các thông tin về các tiền sử bệnh tật của gia đình.

Hiện nay không có xét nghiệm nào trực tiếp để chẩn đoán RLS, do vậy bác sĩ có thể chỉ định khám thần kinh kết hợp cùng xét nghiệm máu để loại trừ một số loại bệnh khác hoặc để xác định nguyên nhân gây ra RLS. Ngoài ra phương pháp đa ký giấc ngủ cũng có thể được sử dụng, mặc dù RLS thường không cần tới đa ký giấc ngủ.

Để xác nhận chẩn đoán hội chứng chân không yên, các bác sĩ sẽ bám vào các tiêu chí như sau:

  • Thôi thúc cử động chân, cũng như cảm giác khó chịu như đau hoặc co kéo.
  • Triệu chứng bắt đầu xuất hiện hoặc nặng hơn trong thời gian nghỉ ngơi hoặc không vận động.
  • Cảm giác sẽ được giảm nhẹ một phần hoặc giảm hoàn toàn khi duỗi chân, đi lại hoặc tập luyện các cơ bị ảnh hưởng.
  • Các triệu chứng nặng hơn hoặc chỉ xuất hiện vào ban đêm.

Với trẻ em, việc chẩn đoán RLS là rất khó khăn do trẻ em thường không diễn tả được các triệu chứng hoặc các cảm giác mà chúng đang có. Các triệu chứng có thể gần giống như chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (DAHD) hoặc chứng đau xương khớp do phát triển ở trẻ em (Growing pains).



Điều trị hội chứng chân không yên như thế nào

Việc điều trị có thể được tiến hành bằng cách uống thuốc hoặc thay đổi các thói quen tại nhà để giảm các triệu chứng.

Các loại thuốc có thể được sử dụng như:

  • Bổ sung sắt, uống kèm Vitamin C.
  • Thuốc chống co giật như gabapentin, pregabalin.
  • Thuốc bổ sung dopamine (Dopamine agonists) như: pramipexole, ropinirole.
  • Tiền chất dopamine hoặc thuốc có thể biến thành dopamine: levodopa.

Ngoài ra một số loại thuốc khác như  benzodiazepines (clonazepam), thuốc ngủ (zolpidem) hoặc opioids (methadone, buprenorphine) có thể có hiệu quả trong một số trường hợp nặng khi một số phương pháp điều trị khác đều không hiệu quả. Các tác dụng phụ của các loại thuốc này có thể gây hại hoặc khiến người sử dụng bị lệ thuộc vào thuốc.

Có nhiều loại thuốc giúp bổ sung chất sắt và việc xét nghiệm máu sẽ giúp xác định loại nào phù hợp cho người dùng. Khi nghi ngờ não bị thiếu sắt rất nhiều và triệu chứng của RLS là nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định truyền sắt để điều trị.

Các loại thuốc làm tăng dopamine có thể làm nặng thêm các triệu chứng theo thời gian, đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ khi sử dụng.

Phương pháp điều trị hội chứng chân không yên tại nhà

Nếu một người mắc RLS có các triệu chứng ở mức độ vừa và nhẹ, thực hành một số liệu pháp tại nhà có thể giúp họ cảm thấy thoải mái hơn và dễ ngủ hơn. 

  • Tập thể dục thường xuyên như Aerobic, đạp xe hay đi bộ. Tránh các bài tập nặng vài giờ trước khi đi ngủ.
  • Thực hành một số thói quen ngủ tốt như: tránh đọc sách, xem tivi, hoặc làm việc với máy tính hay xài điện thoại khi lên giường. Không ngủ đủ giấc có thể khiến RLS thêm trầm trọng hơn.
  • Ngâm chân trong nước ấm, chườm ấm hoặc chườm lạnh lên chân có thể giúp sễ chịu hơn.
  • Giảm cẳng thẳng nói chung. Bạn có thể nhờ một chuyên gia sức khỏe tâm thần hỗ trợ để giảm bớt các căng thẳng.
  • Tránh caffeine trước khi ngủ.

Việc di chuyển chân có thể giúp bạn giảm khó chịu ngay tức thì, nhưng cảm giác khó chịu sẽ quay lại ngay sau đó khi bạn ngừng vận động chân. Bạn cũng có thể massage chân mình, co duỗi chân hoặc đi bộ vòng quanh cho dễ chịu hơn.

Hiện nay, không có cách nào để phòng tránh hội chứng chân không yên. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc hội chứng này bằng cách điều trị các tình trạng bệnh tật tiềm ẩn hoặc tránh các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá.

RLS không ảnh hưởng đến tuổi thọ nhưng có thể ảnh hưởng đến tổng thể sức khỏe của bạn với các triệu chứng từ nhẹ đến nặng. Ngay cả một triệu chứng nhẹ cũng có những ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống.

Hiện nay hầu như không có cách chữa trị dứt điểm RLS, tuy nhiên việc điều trị RLS có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của RLS và giúp bạn có thể sống chung với chúng.

Nguồn tham khảo

Restless Legs Syndrome (RLS): Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ