Xuất phát từ nhu cầu làm việc, lối sống, nhận thức, các thói quen xấu và cả một số bệnh lý tiềm ẩn… mà nam giới thường dành ít thời gian cho giấc ngủ.
Bài cùng thể loại

Với đa phần nam giới, giấc ngủ thường đứng cuối bảng danh sách những việc ưu tiên trong ngày. Với họ đó là một khoảng thời thời gian lãng phí. Thực tế, khoa học đã chứng minh thời gian ngủ không phải là khoảng thời gian không làm gì, mà trái lại đây là thời gian cơ thể hồi phục và tự sửa chữa với rất nhiều các quá trình diễn ra trong cơ thể.

Càng chăm sóc tốt cho giấc ngủ, bạn sẽ càng thu được nhiều hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Ngủ ngon, ngủ đủ giúp bạn thoải mái, khỏe khoắn, suy nghĩ và tư duy nhanh nhạy hơn. Nó cho phép bạn tối đa hóa thời gian và năng lượng hoạt động trong ngày.



Nhận thức không đúng về giấc ngủ

Rất nhiều đàn ông đơn giản là không nhận thức được tầm quan trọng của giấc ngủ và rằng họ cần được ngủ nhiều hơn. Họ xem giấc ngủ như là một trở ngại cần phải vượt qua. Họ cần phải chăm chỉ hơn nữa và do vậy thay vì để cho mình được ngủ, họ lại chiến đấu với giấc ngủ và bỏ qua chúng.

Hầu hết mỗi người đều có một nhu cầu ngủ khác nhau. Bình quân một người trưởng thành cần 8 giờ ngủ mỗi ngày để có thể tỉnh táo và thoải mái đầu óc. Trong khi đó, nhiều nam giới lại thường xuyên ngủ ít hơn rất nhiều. Hệ quả là năng suất làm việc thường không đạt mức tối đa có thể và rất khó tập trung trí óc.

Một số dấu hiệu cần lưu ý cho thấy một người có thể đang bị thiếu ngủ:

  • Cảm giác mệt mỏi, mất năng lượng suốt ngày.
  • Khó tập trung đầu óc.
  • Không có động lực để làm việc gì.
  • Cáu gắt và rất dễ mất bình tĩnh.
  • Phải sử dụng đồng hồ báo thức mỗi sáng mới có thể thức dậy.
  • Cảm giác buồn ngủ khi đang lái xe.

Áp lực công việc

Áp lực công việc thường lấy mất rất nhiều thời gian dành cho giấc ngủ ở  nam giới. Để vượt lên phía trước bạn thường luôn có thôi thúc phải làm thêm vào ban đêm, ngày cuối tuần hoặc đến sớm hơn ở văn phòng làm việc.

Chặng đường di chuyển dài để đến nơi làm việc, cùng với nạn kẹt xe cũng choáng hết một khoảng thời gian quan trọng dành cho nghỉ ngơi. Thậm chí ngay cả khi không đến công sở, bạn vẫn có hàng tá việc cá nhân quan trọng cần phải hoàn thành như trả lời email, soạn một vài văn bản, điện thoại vẫn đổ chuông liên tục. Khi xong hết mọi thứ thì cũng đã quá giờ đi ngủ.

Căng thẳng và áp lực từ công việc cũng ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Khi mệt mỏi, cơ thể muốn nghỉ ngơi nhưng tâm trí bạn vẫn không ngừng lo lắng về công việc ngày mai. Ngay cả khi đã chìm vào giấc ngủ, bạn vẫn có thể thức giấc giữa đêm và khó ngủ trở lại khi các mới lo lắng lại ùa về.

Cố gắng để bỏ lại công việc sau khi rời công sở là việc khó khăn nhưng rất cần phải thực hiện. Cố gắng đừng mang việc về nhà. Mặt khác cần xây dựng những ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Điều này đặc biệt quan trọng với rất những người làm việc tại nhà. Bạn cần phải có điểm dừng để thoát ra khỏi công việc, thư giãn, thể thao để tạo tâm trạng thoải mái khi kên giường.



Cuộc sống bận rộn.

Khá nhiều đàn ông, ngoài công việc ra còn lên lịch dày đặc cho các hoạt động xã hội của mình. Chạy bộ, chơi thể thao, sửa xe, tham gia các dự án quanh nhà, các hoạt động xã hội, tham gia các hội nhóm tại địa phương, hẹn hò, đi chơi cùng nhóm bạn…đã gần như lấy hết thời gian cho việc ngủ. Với các quý ông đã có gia đình, khi buông việc ra là lại dính đến lũ trẻ, đưa đón, dỗ dành, học bài cùng chúng cũng hầu như choáng hết thời gian nghỉ ngơi.

Điều cốt lõi là cần phải biết xắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Một số thứ cần ưu tiên trước, còn một số thứ khác thì không. Không thể nào làm tất cả mọi thứ trong một ngày và cũng chẳng phải mọi thứ đều phải do chính tay bạn làm. Bạn có thể xắp xếp lại một số kế hoạch, thu nhỏ lại quy mô một vài dự án, loại bỏ một số đầu việc không quan trọng. Bạn hoàn toàn có thể quay lại với chúng nếu có thời gian hơn sau này.

Khi bạn đã lên danh sách những hoạt động nào là quan trọng cần ưu tiên, hãy chắc chắn rằng giấc ngủ cũng nằm trong số đó và nên nằm trên đầu danh sách đó.

Những biến động trong cuộc đời

Cuộc sống đầy những biến động và đổi thay. Một số nằm trong dự định, một số diễn ra bất ngờ. Nếu như các thay đổi tiêu cực làm bạn lo âu dẫn đến mất ngủ, thì các sự kiện vui trong đời như: kết hôn, có con, bắt đầu công việc mới, thăng tiến… cũng tác động đến giấc ngủ của bạn.

Trong khi đó những biến động tiêu cực như: mất việc, thất tình,ly dị, tai nạn giao thông, bệnh tật, kiện tụng, thua lỗ… có thể dẫn bạn đến trạng thái trầm cảm. Ở rất nhiều nam giới, mọi thứ diễn ra từ tốn, chậm rãi khiến họ không ý thức được họ đang dần dần bị rơi vào trầm cảm. Theo thời gian, các cảm xúc tiêu cực tiến triển dần dần đến mức trở thành một phần bình thường trong đời sống của họ.

Trầm cảm phá hỏng chất lượng giấc ngủ của bạn. Bạn vừa có thể nằm trằn trọc, lăn qua lăn lại mãi trên giường mà không ngủ được, bạn cũng lại vừa có thể ngủ li bì suốt ngày đêm mà không có chút động lực nào để ngồi dậy.

Khi các giấc ngủ kém chất lượng ngày một nhiều thêm, đàn ông thường có xu hướng lười chăm sóc cơ thể, ngưng thể dục, chán ăn, lạm dụng rượu bia và thuốc lá. Sau cùng, họ mất hết toàn bộ mọi niềm vui và hứng thú với các hoạt động thường nhật.

Đàn ông lại thường có xu hướng ít giãy bày chia sẻ, nếu không muốn nói là họ giữ kín cảm xúc trong lòng. Các cảm xúc bị kềm nén này có thể bùng nổ dữ dội vào một thời điểm nào đấy. Họ có xu hướng làm hại bản thân nhiều hơn. Thống kê cho thấy, nam giới có nguy cơ tự tử cao gấp 4 lần phụ nữ.

Điều đáng buồn là nam giới lại không muốn tìm kiếm sự hỗ trợ. Họ sợ nếu bị lộ ra, mọi người sẽ nghĩ rằng họ đang có gì đó bất thường, đang có “bệnh” hoặc họ đang yếu đuối. Họ cần hiểu rằng những cảm xúc này là hoàn toàn bình thường.

Nếu bạn đang gặp khó khăn với chứng trầm cảm, hãy chia sẻ cho ai đó và cân nhắc xem có nên tìm kiếm sự can thiệp y tế hay không. Đừng chống chọi một mình.



Các thói quen xấu

Nam giới có hàng tá thói quen xấu có ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thói quen sử dụng chất kích thích như rượu bia, café, thuốc lá đều có tác động xấu đến giấc ngủ. Ngoài ra rất nhiều nam giới có thói quen ăn nhiều và tập thể thao ngay sát giờ đi ngủ. Cả 2 thói quen này đều gây ra cảm giác khó chịu, khó ngủ. Để khắc phục, bạn có thể thử chuyển bữa ăn chính vào buổi trưa và ăn nhẹ vào buổi tối, đồng thời dời thời gian tập luyện sớm hơn, có thể là buổi sáng, trước khi đi làm.

Nam giới cũng có xu hướng đi ngủ với giờ giấc lộn xộn, điều này làm đảo lộn nhịp sinh học trong cơ thể và gây khó ngủ. Để khắc phục điều này bạn cần lên lịch ngủ thức mỗi ngày và tuân thủ chặt chẽ, ngay cả trong những ngày nghỉ lễ, cuối tuần. Chỉ nên chợp mắt vào buổi trưa, không quá 1 giờ. Ngủ trưa lâu và trễ sẽ khiến giấc ngủ ban đêm của bạn bị xáo trộn.

Một số tình trạng sức khỏe tác động đến giấc ngủ nam giới

Một số tình trạng sức khỏe có thể khiến bạn thường xuyên khó ngủ. Một trong số chúng là tạm thời như cảm cúm, viêm nhiễm, bong gân… Một số khác kéo dài và thậm chí theo suốt đời. Một số loại bệnh có thể tác động tiêu cực lên giấc ngủ như: động kinh, hen suyễn và các bệnh về đường hô hấp khác, bệnh tim, viêm khớp.

Càng lớn tuổi bạn càng có nguy cơ mắc nhiều loại bệnh tật hơn. Một số loại thuốc điều trị có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ. Một số loại thuốc có thể khiến bạn bồn chồn và khiến bạn mất ngủ vào ban đêm và một số loại thuốc lại làm bạn buồn ngủ vào ban ngày. Cần trao đổi với bác sĩ điều trị nếu bạn gặp khó khăn trong giấc ngủ khi sử dụng các loại thuốc này.

Ngoài ra nam giới còn có thể mắc một số rối loạn giấc ngủ đặc trưng ở nam giới như: Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, ngủ rũ, rối loạn giấc ngủ trì hoãn, rối loạn làm việc theo ca, rối loạn giấc ngủ do lệch múi giờ.

Hầu hết nam giới bị rối loạn giấc ngủ đều không biết về tình trạng của mình. Ngay cả khi họ nhận thức được thì phần đông họ cũng sẽ không đi chữa trị. Do đó, điều quan trọng là bạn cần quan tâm chú ý chính mình và những người thân của mình để phát hiện và điều trị các chứng rối loạn giấc ngủ. Qua đó giúp cải thiện đáng kể giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.

 

Nguồn

Sleep and Men - Sleep Disorders | UCLA Health

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ