Giấc mơ hầu như vẫn là miền đất bí ẩn chưa được khám phá. Dù có nhiều bước tiến đáng kể, nhưng giới khoa học vẫn hầu như chưa hiểu được nhiều về cả giấc ngủ lẫn giấc mơ. Ngay cả câu hỏi cơ bản nhất: tại sao chúng ta lại mơ vẫn còn đang là điều gây tranh cãi.
Bài cùng thể loại

Kể từ khi nhà tâm lý học Sigmund Freud thu hút được sự quan tâm của công chúng về tầm quan trọng của những giấc mơ vào thế kỷ 19, đến nay nhiều nghiên cứu tiếp theo về giấc mơ cũng đã được thực hiện trên cả hai lĩnh vực khoa học thần kinh và khoa học tâm lý.

Nội dung của những giấc mơ và cũng như tác động của chúng đến mỗi người là khác nhau. Dù hiện tại vẫn chưa có một lý giải nào thỏa đáng hoàn toàn về ý nghĩa và mục đích của các giấc mơ, tuy nhiên, những kiến thức căn bản về giấc mơ và các tác động tiềm ẩn của ác mộng cũng sẽ mang lại nhiều bổ ích trong việc xây dựng giấc ngủ tốt hơn và có những giấc mơ dễ chịu hơn.

Giấc mơ là gì

Giấc mơ là những hình ảnh, suy nghĩ, cảm giác xảy ra trong quá trình ngủ. Mặc dù các hình ảnh trực quan chiếm đa số, tuy nhiên trong giấc mơ vẫn tồn tại nhiều cảm giác của các giác quan còn lại. Nhiều người mơ giấc mơ đầy màu sắc, nhưng có những người chỉ mơ thấy những hình ảnh trắng đen. Trong khi đó, với người mù, giấc mơ của họ thường bao gồm các thành phần âm thanh, mùi và vị.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra tính đa dạng của nhiều loại giấc mơ. Tuy nhiên chúng cũng thường có một số đặc điểm chính như sau:

  • Hình ảnh của giấc mơ thường tồn tại ở góc nhìn thứ nhất, tức là góc nhìn của chính người đang mơ, đang tham gia trong trong giấc mơ.
  • Chúng ta không tự nguyện muốn mơ.
  • Giấc mơ thường phi lo gic và không mạch lạc.
  • Nội dung giấc mơ bao gồm những người khác tương tác với người đang mơ.
  • Giấc mơ kích thích nhiều cảm xúc mạnh mẽ.
  • Có nhiều chi tiết trong đời sống thực được kết hợp lại để tạo thành nội dung của những giấc mơ.

Tại sao chúng ta lại mơ?

Vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh câu hỏi hóc búa này. Có một số giả thuyết được đặc ra như sau:

  • Giúp hình thành trí nhớ: ý kiến này cho rằng giấc mơ giữ một chức năng nhận thức quan trọng, giúp cố kết ký ức, tăng cường trí nhớ và hồi tưởng các thông tin.
  • Giúp xử lý cảm xúc: Khả năng tiếp xúc và diễn tập trước các cảm xúc trong các bối cảnh tưởng tượng của giấc mơ có thể là cách mà bộ não quản lý cảm xúc.
  • Vệ sinh tinh thần: Những giấc mơ có thể được xem như cách bộ não tự dọn dẹp, vệ sinh tinh thần, phân loại và loại bỏ bớt các thông tin sai lệch, thông tin không cần thiết.
  • Một sự phát lại: Giấc mơ được xem như là một bộ phim phát lại các thông tin gần đây mà bộ não thu thập được. Tuy nhiên trong cuốn phim phát lại này, nhiều đối tượng bị bóp méo không còn nguyên vẹn như trong đời thực nữa. Quá trình phát lại này được cho là giúp não phân tích và xử lý nhiều thông tin và sự kiện mà chúng ta thu nhận được trong đời sống.
  • Một hoạt động ngẫu nhiên của não: Ý kiến này cho rằng giấc mơ chỉ thuần túy là một hoạt động ngẫu nhiên của não. Nó chẳng mang một ý nghĩa hay bất kỳ mục đích nào cả.

Chúng ta thường mơ khi nào?

Bình quân, mỗi người sẽ mơ khoảng 2 giờ mỗi đêm. Giấc mơ có thể diễn ra ở bất cứ giai đoạn giấc ngủ nào trong một chu kỳ giấc ngủ, tuy nhiên giấc mơ phong phú và thật nhất là trong giai đoạn giấc ngủ REM.

Trong giai đoạn giấc ngủ REM, hoạt động của não tăng tốc mạnh mẽ hơn so với giai đoạn giai đoạn NREM. Giấc mơ trong giấc ngủ REM vì vậy mà huyễn hoặc, kỳ ảo và dữ dội hơn cả. Trong khi đó, ngược lại giấc mơ trong giấc ngủ NREM lại thường khá mạch lạc và liên quan đến những sự kiện cụ thể nào đó.

Giấc ngủ REM không được phân bố đều trong đêm mà thường xuất hiện ở nửa sau thời gian ngủ bình thường, do vậy các giấc mơ trong giấc ngủ REM cũng thường xuất hiện vào những thời điểm gần thức.

Những loại giấc mơ nào thường gặp?

Có hai loại giấc mơ chính tùy thuộc vào mức độ “thật” của giấc mơ. Theo đó, với giấc mơ sáng suốt (Lucid dreams) bạn đang mơ nhưng vẫn ý thức được mình đang mơ. Với giấc mơ sống động (Vivid dream) bạn sẽ dấn sâu vào giấc mơ, không còn nhận thức được mình đang mơ nữa. Cảm giác của giấc mơ sống động mang lại rất thật, tựa như chúng đang diễn ra thật và bạn có thể nhớ lại một cách đầy đủ các chi tiết của giấc mơ này.

Giấc mơ xấu (bad dream) là các giấc mơ về những nội dung mang lại cảm giác khó chịu, căng thẳng hoặc đau buồn. Giấc mơ tái diễn (Recurring dreams) là loại hình ảnh, nội dung cứ lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều giấc mơ khác nhau ở nhiều thời điểm khác nhau.

Trong các giấc mơ thông thường, cũng có một số khuôn mẫu nội dung của giấc mơ thường xảy ra phổ biến với nhiều người như: giấc mơ bay trên trời, té ngã, rơi tự do, bị rượt đuổi hoặc không tìm được nhà vệ sinh khi cần.

Ác mộng là gì

Ác mộng là những giấc mơ xấu đến nỗi làm người mơ phải tỉnh dậy. Định nghĩa này phân biệt ác mộng ra khỏi những giấc mơ xấu với nội dung gây khó chịu, đáng sợ, hay bị đe dọa thường gặp khác. Những giấc mơ xấu thường vẫn khá ôn hòa, trong khi ác mộng lại có thể cản trở giấc ngủ và tác động tiêu cực đến suy nghĩ, cảm xúc.

Giấc  mơ có tác động đến giấc ngủ hay không?

Hầu hết các trường hợp, giấc mơ không ảnh hưởng giấc ngủ, nó là một phần bình thường của sức khỏe giấc ngủ.

Ác mộng là một ngoại lệ vì ác mộng có thể đánh thức người ngủ và nếu diễn ra nhiều lần thì nó trở thành một vấn đề rắc rối với sức khỏe giấc ngủ. Ác mộng nhiều lần có thể khiến bạn sợ đi ngủ và từ đó làm bạn bị thiếu ngủ hoặc suy giảm chất lượng giấc ngủ.

Tiếp theo đó, khi phải đi ngủ, chính sự thiến ngủ trước đó lại làm bạn có xu hướng đi sâu vào giấc ngủ REM và lại tiếp gặp ác mộng tồi tệ hơn. Sau đó, bạn lại càng sợ phải đi ngủ. Các vòng lẩn quẩn này có thể khiến bạn có thể mắc chứng mất ngủ mãn tính.

Có cách nào để nhớ lại nội dung của giấc mơ hay không?

Giấc mơ bị lãng quên  rất nhanh, trong khi khả năng nhớ lại giấc mơ thì tùy thuộc vào từng người, từng độ tuổi. Dù không chắc chắn là đúng với tất cả mọi người, như cũng có một số mẹo giúp bạn có thể hồi tưởng lại lại nội dung của một giấc mơ như:

  • Hãy hồi tưởng lại giấc mơ càng sớm càng tốt ngay sau khi thức giấc.
  • Chuẩn bị sẵn các thiết bị cần thiết để ghi chép lại nội dung giấc mơ ngay trong tầm tay, chúng sẽ rất hữu ích những khi bạn thức dậy sau khi mơ trong đêm. Ghi chép ngay sau khi tỉnh dậy.
  • Hãy tập thức dậy tự nhiên vào mỗi sáng. Nếu bạn bị cưỡng chế thức dậy bằng một can thiệp bên ngoài nào đó như đồng hồ báo thức, sẽ rất khó để nhớ lại nội dung của giấc mơ.

Nguồn tham khảo

Dreams: Why We Dream & How They Affect Sleep | Sleep Foundation

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ