Giấc mơ sống động (Vivid dream) là loại giấc mơ rất chân thật và bạn vẫn nhớ rõ mồn một từng chi tiết trong giấc mơ ấy rất lâu sau khi thức giấc.
Bài cùng thể loại

Giấc mơ sống động thường mang đến cho bạn những cảm giác rất thực y như bạn đang tham gia vào chính câu chuyện trong mơ. Giấc mơ sống động có cả những nội dung thú vị lẫn những câu chuyện gây lo âu, sợ hãi. Nếu thường  xuyên gặp phải những giấc mơ sống động với nội dung gây khó chịu, sức khỏe giấc ngủ của bạn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Ngoài giấc mơ sống động, còn có các loại giấc mơ khác như giấc mơ sáng suốt (Lucid dream), mê sảng do sốt cao (Fever dream), ác mộng (Nightmare).

Điều gì tạo nên những giấc mơ sống động?

Như đã biết, các giấc mơ thông thường có thể diễn ra trong tất cả các giai đoạn của một chu kỳ giấc ngủ. Tuy nhiên, giấc mơ sống động chỉ xảy ra trong giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (giấc ngủ REM). Đây là giai đoạn giấc ngủ mà não hoạt động ở mức bùng nổ tương tự như khi đang thức giấc.

Trong hầu hết các trường hợp, nếu chúng ta không thức giấc khi đang mơ hoặc ngay sau giấc mơ, chúng ta thường sẽ chẳng nhớ gì về nội dung giấc mơ đó. Nghĩa là nếu bạn mơ nhưng sau giấc mơ lại ngủ tiếp thì bạn sẽ nhanh quên chúng. Nếu bạn thức giấc ngay khi đang mơ, bạn sẽ nhớ nội dung giấc mơ rất lâu. 

Trong khi đó giấc mơ sống động thường xảy ra trong giấc ngủ REM. Giấc ngủ REM thường được kéo dài hơn trong các chu kỳ sau của giấc ngủ, khi nửa đêm về sáng. Giai đoạn ngủ REM cuối cùng kéo dài gần 1 giờ đồng hồ trước khi thức giấc. Đó là lý do vì sao bạn thường gặp các giấc mơ chân thật khi gần thức giấc và nhớ nội dung của chúng rất lâu.

Ngoài ra, giấc mơ sống động còn xuất hiện trong nhiều trường hợp có liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn giấc ngủ, thai nghén, tác dụng phụ của thuốc, chấn thương…

Các rối loạn giấc ngủ ảnh hưởng đến giấc mơ

Một số loại rối loạn giấc ngủ có thể gây ra các giấc mơ sống động như:

  • Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA): Trong trường hợp này, giấc ngủ bị gián đoạn và nồng độ oxy trong máu giảm có thể gây ra những cơn ác mộng với người mắc.
  • Ngủ rũ (Narcolepsy): thường gây ra các ảo giác giống như một giấc mơ sống động ở giai đoạn đầu của giấc ngủ. Khoảng phân nữa người mắc ngủ rũ thường cũng đồng thời mắc rối loạn hành vi giấc ngủ REM.
  • Rối loạn hành vi giấc ngủ REM: đây là rối loạn giấc ngủ mà người mắc không bị tê liệt cơ khi ngủ mà hành động theo nội dung các giấc mơ.
  • Rối loạn ăn uống khi ngủ: Đây là một dạng của mộng du khi người mắc ăn uống trong lúc ngủ mà không hay biết. Nhiều khả năng hành vi này được kích hoạt từ các giấc mơ sống động trong đầu người ngủ và được chuyển thể thành hành động trong đời thực.

Tình trạng sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến giấc mơ

Một số tình trang lo âu, căng thẳng có thể biến thành những giấc mơ sống động với nội dung tiêu cực, khó chịu. Những trải nghiệm khi thức thường được phản ánh trong giấc mơ. Các chấn thương tâm lý, sự kiện đau thương cũng có thể gây ra những giấc mơ sống động tiêu cực và ác mộng.

Ngoài ra một số tình trạng sức khỏe tâm thần cũng góp phần tạo ra những giấc mơ sống động như:

  • Rối loạn trầm cảm.
  • Rối loạn lo âu.
  • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).
  • Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)

Trong số này ác mộng thường có liên quan rất chặt với PTSD. Các giấc mơ của người mắc PTSD thường có liên quan đến các chấn thương cho họ. Các cơn ác mộng này cũng thường xảy ra trong các giai đoạn giấc ngủ khác và gây mất ngủ, sợ ngủ.

Tác dụng phụ của thuốc làm tăng mức sống động của giấc mơ

Mốt số loại thuốc có tác dụng phụ làm tăng cường độ và tính mãnh liệt của các giấc mơ như thuốc ngủ kê đơn, thuốc điều trị tâm thần, thuốc kích thích và một số loại thuốc điều trị huyết áp.

Thai nghén làm tăng các giấc mơ tiêu cực

Phụ nữ trong các giai đoạn sau của thai kỳ thường khó ngủ và có những giấc mơ tiêu cực hay khó chịu. Nhiều khả năng các giấc mơ sống động này xuất phát từ sự thay đổi nội tiết tố và cảm xúc ở phụ nữ mang thai cũng như nỗi lo âu, căng thẳng khi sắp làm mẹ.

Ngoài ra việc ngừng sử dụng một số loại thuốc, chất gây nghiện, chất kích thích như rượu bia cũng làm tăng gặp ác mộng. Ví dụ việc cai nghiện cocaine có thể đi kèm với những giấc mơ sống động với nội dung khó chịu.



Các giấc mơ sống động có mang ý nghĩa nào không?

Ý nghĩa của các giấc mơ luôn là một đề tài gây tranh cãi. Tuy nhiên, các giấc mơ sống động cũng phần nào hé lộ nhiều dấu hiệu trong tâm thức của chúng ta. Với hầu hết mọi người, giấc mơ sống động thường theo một số khuôn mẫu phổ biến như: té ngã, rơi tự do, bay cao, bị rượt đuổi, tình dục, cái chết, thi rớt, gặp người đã mất…

Một số giấc mơ kỳ quái, sáng tạo rất khó giải thích một cách hợp lý vì nó không căn cứ theo một sự kiện thức tế nào khi tỉnh thức. Các giấc mơ này luôn tạo ra sự tò mò thú vị với tất cả mọi người để giải đáp chúng. Các giấc mơ còn cung cấp không gian cho tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, vượt ra ngoài khuôn khổ. Nhiều phát minh, sáng chế, sáng tác nghệ thuật  nổi tiếng được bắt đầu từ trong những giấc mơ.

Một số trường hợp, giấc mơ sống động đóng vai trò như một giải pháp trị liệu để vượt qua một biến cố đau buồn nào đó. Nhiều người mơ gặp người thân đã mất giúp họ an ủi phần nào nỗi buồn đau mà họ đang gặp phải khi gia đình có tang.

Nhiều trường hợp các giấc mơ sống động cung cấp các manh mối về một loại bệnh tật tiềm ẩn nào đó trong cơ thể. Ví dụ, một số nghiên cứu cho thấy những người rối loạn lưỡng cực khi mơ về cái chết hoặc thương tích thường là sắp chuyển sang giai đoạn hưng cảm, trong khi ngược lại khi họ giảm mơ là bắt đầu chuyển sang giai đoạn trầm cảm.

Tác hại của các giấc mơ sống động.

Nếu thỉnh thoảng gặp giấc mơ sống động thì không sao. Nhưng nếu bạn gặp các giấc mơ sống động thường xuyên và đặc biệt là các giấc mơ buồn lo, khó chịu hoặc ác mộng thì nó là dấu hiệu bất thường. Thường xuyên gặp phải các giấc mơ sống động không mong muốn có thể làm gián đoạn giấc ngủ và gây nhiều hậu quả như: buồn ngủ và mệt mỏi quá mức vào ban ngày, mất tập trung, giảm hiệu suất làm việc, dễ gây tai nạn, khó ngủ hoặc thậm chí sợ ngủ.

Một số trường hợp cực đoan, người thường xuyên mơ những giấc mơ tiêu cực có thể bị rối loạn cảm xúc, lo âu,trầm cảm, thậm chí một số người còn có suy nghĩ muốn tự tử. 

Nếu bạn gặp một số dấu hiệu sau đây trong những giấc mơ thì cần liên hệ đến các chuyên gia để được can thiệp chữa trị:

  • Gặp ác mộng nhiều lần trong một tuần.
  • Giấc mơ sinh động thường diễn ra trong giai đoạn khi bạn mới bắt đầu rơi vào giấc ngủ.
  • Giấc mơ lặp đi lặp lại về một sư kiện đau thương trong quá khứ.
  • Gặp ảo giác ngay lúc bạn còn đang thức.

Làm thế nào để tránh các giấc mơ khó chịu ?

Có nhiều phương pháp can thiệp để giúp hạn chế bớt các giấc mơ gây hại cho giấc ngủ như:

  • Liệu pháp hành vi nhận thức: thường được sử dụng với những người mắc PTSD, giúp làm giảm các cơn ác mộng.
  • Liệu pháp luyện tập tưởng tượng (Imagery Rehearsal Therapy): giúp vượt qua nững giấc mơ khó chịu diễn ra thường xuyên. Phương pháp này yêu cầu người mơ viết lại câu chuyện khó chịu trong giấc mơ và chuyển thể nó lại theo lối tích cực hơn và luyện tập tưởng tượng về kịch bản tích cực này trước khi đi ngủ.
  • Sử dụng một số loại thuốc.
  • Giảm căng thẳng, xả stress như: chơi thể thao, tập thể dục, Yoga, thiền, thái cực quyền…
  • Vệ sinh giấc ngủ: tuân thủ lịch ngủ thức đều đặn, hạn chế chất kích thích, giữ cho không gian ngủ yên tĩnh, thoáng mát,…
  • Điều trị các rối loạn giấc ngủ và cá bệnh tật tiềm ẩn đã gây ra các giấc mơ khó chịu.

 

Nguồn tham khảo

What Are Vivid Dreams? (sleepdoctor.com)

Vivid Dreams Explained (sleepfoundation.org)

Vivid Dreams: Causes and How to Stop Them (healthline.com)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ