Tùy theo từng loại rối loạn giấc ngủ mà bạn mắc phải, các chuyên gia y tế sẽ có những cách để chẩn đoán và điều trị khác nhau, từ việc thay đổi lối sống đến uống thuốc hay sử dụng thiết bị y tế hỗ trợ.
Bài cùng thể loại

Như đã biết, rối loạn giấc ngủ sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc phải, cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Tùy theo cách phân loại, có khoảng trên dưới 100 chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau. Do đó, nếu nghi ngờ mình mắc chứng rối loạn giấc ngủ, đừng ngần ngại đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng và điều trị hiệu quả.

Đo đa ký giấc ngủ

Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ như thế nào?

Có nhiều phương pháp xét nghiệm kiểm tra giấc ngủ khác nhau được các bác sĩ sử dụng. Tuy nhiên có ba loại chính được sử dụng để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, bao gồm:

  • Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography - PSG): Đây là một phương pháp xét nghiệm chuyên sâu dùng để đo nồng độ oxy, chuyển động của cơ thể và sóng não để xem chúng tác động đến giấc ngủ của một người như thế nào.
  • Đo điện não đồ (Electroencephalogram - EEG): đây là xét nghiệm đánh giá điện não, qua đó dò tìm các vấn đề tiềm ẩn trong hoạt động của não. Đây cũng là một phần của phương pháp đo đa ký giấc ngủ.
  • Đánh giá giấc ngủ ngắn ban ngày (Multiple sleep latency test): đây là phương pháp được dùng kết hợp với đo đa ký giấc ngủ vào ban đêm để rà soát và chẩn đoán chứng ngủ rũ (narcolepsy).

Dựa trên các dữ liệu thu được từ các xét nghiệm này mà các bác sĩ có thể chẩn đoán xem một người có bị mắc chứng rối loạn giấc ngủ hay không.

Bên cạnh các xét nghiệm, các cơ sở y tế cũng sẽ  thu thập các thông tin về các triệu chứng gặp phải cũng như các tiền sử bệnh lý. Các bác sĩ cũng có thể yêu cầu bạn ghi lại nhật ký giấc ngủ của mình: giờ lên giường, giờ bắt đầu ngủ và giờ thức dậy mỗi ngày. Nếu gặp khó khăn khi xác định thời điểm thật sự đi vào giấc ngủ, bạn có thể ước đoán hoặc đeo một thiết bị thông minh ghi lại chu kỳ hoạt động của mình để dễ dàng hơn trong việc xác định thời điểm ngủ và thức.

Bạn cũng có thể sẽ được yêu cầu ghi chép lại các thông tin liên quan đến các giấc ngủ ngắn vào ban ngày, giấc ngủ trưa, cảm giác của bạn như thế nào trước và sau khi ngủ các giấc ngắn này.

Rối loạn giấc ngủ điều trị bằng cách nào?

Các chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau có thể được điều trị theo các phương pháp khác nhau. Trên cơ sở chẩn đoán, các bác sĩ sẽ giới thiệu các phương pháp phù hợp, dựa trên tình trạng riêng biệt của từng người. Các tác dụng phụ của phương pháp điều trị cũng sẽ được cân nhắc với từng người trước khi áp dụng. Các phương pháp chữa trị chính bao gồm:

  • Uống thuốc.
  • Bổ sung các chất cần thiết (như melatonin).
  • Điều trị các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn trong cơ thể.
  • Sử dụng thiết bị hỗ trợ thở (như máy CPAP – áp lực đường thở dương liên tục) hoặc phẫu thuật.
  • Điều trị hành vi nhận thức (Cognitive behavioural therapy).
  • Quang trị liệu/trị liệu bằng ánh sáng (Phototherapy /Light Therapy).
  • Thay đổi thói quen, lối sống để qua đó giúp tăng cường lịch ngủ thức đúng giờ cũng như tăng cường vệ sinh giấc ngủ.

Thường xuyên luyện tập và thực hành vệ sinh giấc ngủ giúp giảm nguy cơ rối loạn giấc ngủ

Vệ sinh giấc ngủ như thế nào để ngủ tốt hơn?

  • Hãy tạo cho không gian ngủ của bạn thoải mái và tiện dụng hơn, trong đó đặc biệt yêu cầu phải mát mẻ, yên tĩnh và phải tối. Nếu ánh sáng làm bạn khó ngủ, hãy sử dụng mặt nạ hoặc thứ gì đó che mắt bạn. Nếu âm thanh xung quanh làm bạn không ngủ được, hãy thử đeo nút bịt lỗ tai (earplus) hoặc thử sử dụng “tiếng ồn trắng” (white noise). Đây là một khái niệm chỉ một tập hợp âm thanh có tần số khác nhau nhưng có cùng cường độ mà chúng ta vẫn thường gặp như tiếng mưa trên mái nhà, tiếng thanh tivi khi mất sóng, tiếng quạt, điều hòa không khí…
  • Chỉ sử dụng chiếc giường để ngủ và cho các quan hệ thân mật. Không xem video, điện thoại, không ăn uống hay làm việc trên giường.
  • Hạn chế tối đa căng thẳng trước khi đi ngủ. Nếu bạn hay lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều về đêm, hãy thử tập viết ra danh sách những việc cần làm vào buổi tối. Nó có thể giúp bạn hạn chế những suy nghĩ tiêu cực khi lên giường.
  • Cố gắng tạo dựng thói quen đi ngủ đúng giờ. Bạn có thể xây dựng các thói quen như tắm nước nóng, thư giãn, thiền, nghe nhạc hoặc đọc sách trước khi đi ngủ. Và cũng quan trọng không kém, bạn cần tập thói quen thức dậy đúng giờ mỗi sáng, thậm chí kể cả những ngày nghỉ hoặc ngày lễ tết.
  • Đừng mãi nhìn đồng hồ. Nếu không ngủ được sau 30 phút, hãy rời khỏi giường và làm một việc gì khác như đọc hoặc một hoạt động nào đó thư giãn.
  • Xây dựng thói quen tập thể dục thể thao. Tuy nhiên không nên tập thể dục, đặc biệt là vận động mạnh, căng thẳng vài giờ trước khi ngủ nếu bạn gặp rắc rối với giấc ngủ.
  • Có thể ngăn ngừa rối loạn giấc ngủ không?
  • Bạn không thể ngăn ngừa các chứng rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên bạn có thể hạn chế các nguy cơ dẫn đến rối loạn giấc ngủ bằng việc thường xuyên thực hành vệ sinh giấc ngủ.
  • Hạn chế các thói quen sử dụng các chất kích thích như rượu bia và thuốc lá, trà, café trong khoảng 4h trước khi ngủ. Không nên ngủ trưa sau 3h chiều, cũng như không ăn quá no hoặc ăn chocolate trước khi lên giường.
  • Với các chứng rối loạn giấc ngủ, bạn sẽ không thể biết được chúng sẽ kéo dài bao lâu thì kết thúc. Do đó, nếu bạn trải qua nhiều tuần hoặc vài tháng vật lộn với chứng rối loạn giấc ngủ, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để có hướng điều trị phù hợp.

Theo Heathline, Cleveland Clinic

Nguồn tham khảo:

  • https://www.healthline.com/health/sleep/disorders#diagnosis
  • https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/11429-sleep-disorders

 

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ