Chứng sợ ngủ (Somniphobia) là cảm giác sợ hãi khi phải đi ngủ. Người mắc chứng sợ ngủ luôn lo lắng và ám ảnh suốt ngày về cách làm thế nào để khỏi phải ngủ.
Bài cùng thể loại

Chứng sợ ngủ xuất hiện ở những người thường gặp ác mộng hoặc tê liệt khi ngủ. Những người bị chấn thương cũng có khả năng mắc chứng sợ ngủ.

Người mắc chứng sợ ngủ thường lo sợ về những điều sẽ xảy ra, những việc họ sẽ làm khi rơi vào giấc ngủ như ác mộng hoặc mộng du. Chứng sợ ngủ cũng là một dạng rối loạn ám ảnh chuyên biệt (Specific phobia). Đây là một nỗi sợ hãi của một người đối với một vật, một tình huống hoặc một con vật cụ thể nào đó. Những người mắc rối loạn ám ảnh chuyên biệt đều cảm nhận được rằng cảm giác lo sợ thường bị khuếch đại lên quá mức so với chính bản thân mối nguy thật.

Cả chứng sợ ngủ lẫn và chứng lo âu về giấc ngủ (Sleep anxiety) đề có điểm chung là cảm giác sợ hãi khi đi ngủ. Tuy nhiên, người mắc chứng lo âu khi ngủ thường lo lắng vì họ thường phải đánh vật với giấc ngủ, rất khó khăn để có thể ngủ đủ giấc. Trong khi đó người mắc chứng sợ ngủ thường có cảm giác lo sợ những điều xấu sẽ xảy ra khi họ chìm vào giấc ngủ.

Những ai thường mắc chứng sợ ngủ?

Người có tiền sử bị rối lọan cận giấc ngủ (parasomnia) có nguy cơ cao mắc chứng sợ ngủ. Đây là một rối loạn giấc ngủ mãn tính, biểu hiện phổ biến ở chứng rối loạn ác mộng và tê liệt khi ngủ. Những người mắc rối loạn cận giấc ngủ thường sợ hãi khi ngủ vì họ sợ lại phải trải qua những cảm xúc tiêu cực khi ngủ.

Những rối loạn giấc ngủ khác như rối loạn mất ngủ cũng làm gia tăng nguy cơ sợ ngủ. Ngoài ra bạn cũng có nguy cơ mắc chứng sợ ngủ như:

  • Rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized anxiety disorder - GAD).
  • Người từng bị chấn thương vào ban đêm.
  • Ngủ rũ.
  • Rối loạn hoảng sợ (Panic disorder).
  • Hội chứng chân không yên.
  • Ngưng thở khi ngủ.

Các chuyên gia cũng không biết đích xác có bao nhiêu người mắc chứng sợ ngủ. Ước tính tại Mỹ có khoảng 40 triệu người mắc các chứng rối loạn giấc ngủ mãn tính và có khoảng 12% người lớn mắc rối loạn ám ảnh chuyên biệt. Rối loạn ám ảnh chuyên biệt thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới.

Nguyên nhân nhân của chứng sợ ngủ

Đến nay các chuyên gia hầu như vẫn không thể biết nguyên nhân chính xác của chứng sợ ngủ là gì. Có nhiều yếu tố tác động đến chứng sợ ngủ như:

  • Sợ mình sẽ chết trong lúc ngủ.
  • Ảo giác.
  • Ác mộng.
  • Tê liệt khi ngủ.

Một số người bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương (post-traumatic stress disorder - PTSD) cũng có thể sẽ sợ ngủ. PTSD có thể gây ra những giấc ngủ kinh hoàng, mộng du hoặc những xáo trộn trong giấc ngủ khác dẫn đến người mắc PTSD sợ phải ngủ.

Triệu chứng

Các triệu chứng cơ bản thường gặp là người mắc thường rất căng thẳng khi nghĩ về giấc ngủ hoặc cố đi ngủ.

  • Tránh phải đi ngủ càng lâu càng tốt.
  • Cáu kỉnh hoặc tâm trạng thay đổi thất thường.
  • Để đèn sáng hoặc mở tivi khi đi ngủ.
  • Khó khăn khi phải tập trung đầu óc vào ban ngày vì những nỗi lo liên quan đến giấc ngủ quá nặng nề.

Rối loạn ám ảnh chuyên biệt đôi khi cũng gây ra một số triệu chứng về thể chất. Trong một số tình huống, người mắc có thể bị một cơn hoảng loạn ập đến bất ngờ, gây ra nhiều triệu chứng về thể chất như:

  • Khó thở, thay đổi hơi thở.
  • Tức ngực.
  • Ớn lạnh hoặc đổ mồ hôi lạnh.
  • Tăng thông khí ( thở ra nhiều hơn hít vào).
  • Tăng nhịp tim, tim đập mạnh.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Run rẩy tay chân hoặc không kiểm soát được tay chân.

Với trẻ em, khi trẻ sợ đi ngủ, chúng cũng có thể có nhiều biểu hiện như:

  • Bám vào người chăm sóc.
  • Khóc không kiểm soát được.
  • Thức dậy nhiều lần trong đêm.
  • Có những cơn giận dữ.
  • Chống lại việc đi ngủ.
  • Chẩn đoán chứng sợ ngủ như thế nào?

Để chẩn đoán chứng sợ ngủ, người điều trị sẽ hỏi bạn những câu hỏi như:

  • Việc sợ ngủ có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ hay không?
  • Nỗi sợ ngủ có làm phân tán sự tập trung của bạn trong các công việc hàng ngày không?
  • Nỗi ám ảnh về giấc ngủ đã kéo dài bao lâu rồi? 6 tháng hay nhiều hơn?
  • Nó có làm cản trở, can thiệp vào đời sống, công việc, học tập và các mối quan hệ của bạn hay không?
  • Sự sợ ngủ có dẫn đến lo âu hay trầm cảm kéo dài hay không?
  • Chúng có làm ảnh hưởng đến cảm xúc và sức khỏe thể chất của bạn hay không?

Quản lý và điều trị chứng sợ ngủ

Việc điều trị chứng sợ ngủ cũng tương tự như điều trị rối loạn ám ảnh chuyên biệt với nhiều phương pháp như:

  • Liệu pháp tiếp xúc ( Exposure therapy) thường được sử dụng, trong đó người mắc sẽ làm việc cùng với nhà trị liệu để qua đó quen dần với nỗi sợ. Với chứng sợ ngủ, bạn có thể tưởng tượng ra một giấc ngủ ngon hoặc cố gắng để ngủ một giấc ngắn.
  • Liệu pháp trị liệu hành vi nhận thức (CBT): phương pháp này yêu cầu người mắc trò chuyện cùng chuyên gia trị liệu. CBT giúp bạn xác định được nỗi sợ và vượt qua nỗi sợ. Chuyên gia trị liệu sẽ giúp bạn cách để đương đầu với những suy nghĩ tiêu cực và hạn chế thấp nhật các triệu chứng lo âu.
  • Phương pháp giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động của mắt (EMDR) có thể đặc biệt hiệu quả nếu chứng sợ ngủ bắt nguồn từ chấn thương. EMDR có thể giúp bạn xử lý chấn thương mà không bị ký ức choáng ngợp.

Một số loại thuốc cũng được sử dụng đễ giảm các triệu chứng lo âu. Các loại thuốc này thường được dùng kèm với một phương pháp trị liệu nào đó.

  • Thuốc chẹn beta như propranolol hoặc atenolol. Những loại thuốc này có thể làm giảm các triệu chứng lo lắng về thể chất, chẳng hạn như tim đập nhanh.
  • Các thuốc benzodiazepin như alprazolam hoặc lorazepam. Những loại thuốc này là thuốc an thần có thể giúp giảm triệu chứng trong thời gian ngắn.

Tiên lượng

Việc thiếu ngủ trong thời gian dài sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiê trọng và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như: trầm cảm, tiểu đường, đột quỵ, tăng huyết áp, đau tim, béo phì.

Nhiều người mắc chứng sợ ngủ còn đồng thời lạm dụng một thứ chất nào đó mà họ dùng để cố ngủ. Nếu không điều trị chứng sợ ngủ, nhiều khả năng người mắc có nguy cơ nghiện một loại thuốc, chất nào đó, lạm dụng cần sa hoặc nghiện rượu.

Đến nay hầu như không có phương pháp nào có thể trị dứt điểm chứng sợ ngủ. Với một số người, việc áp dụng phương pháp điều trị giúp các triệu chứng giảm đi hoặc biến mất. Một số người khác chọn cách quản lý chúng trong dài hạn.

Mặt khác, chứng sợ ngủ là không thể phòng ngừa. Tất cả nững gì bạn có thể làm là xây dựng lối sống lành mạnh và thực hành tốt vệ sinh giấc ngủ sẽ giúp bạn ngủ chất lượng hơn. Một số quy tắc đơn giản có thể giúp bạn ngủ ngon như:

  • Tránh điện thoại, máy tính, tivi, các thiết bị điện tử khoảng một giờ trước khi đi ngủ.
  • Ăn uống điều độ, dinh dưỡng, tránh các thức ăn “siêu chế biến” ( processed foods).
  • Thường xuyên tập thể dục.
  • Hạn chế rượu bia, caffeine.
  • Tạo cho không gian ngủ mát mẻ và tối.

 

Nguồn tham khảo:

Somniphobia (Fear of Sleep): Causes, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ