Hội chứng ngủ nhiều (Hypersomnia) là tình trạng mà một người không có khả năng duy trì trạng thái thức và tỉnh táo vào ban ngày. Nói cách khác họ buồn ngủ rất nhiều lần vào ban ngày mặc dù ban đêm họ đã ngủ đủ giấc hoặc thậm chí ngủ nhiều hơn nhu cầu ngủ bình thường.
Bài cùng thể loại

Hội chứng ngủ nhiều gây rất nhiều rắc rối cho đời sống và công việc của người mắc cũng như nguy hiểm hơn là làm gia tăng nguy cơ mắc lỗi hoặc gây tại nạn.

Chứng ngủ nhiều quá mức thường thấy ở nam giới hơn so với phụ nữ. Nó được cho là tác động đến khoảng 5% dân số, thường được chẩn đoán và phát hiện trong nhóm tuổi thiếu niên và nhóm trưởng thành (từ 17 – 24 tuổi).

Các triệu chứng và nguyên nhân của hội chứng ngủ quá nhiều

Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng ngủ nhiều bao gồm:

  • Có các cơn buồn ngủ dai dẳng lặp đi lặp lại vào ban ngày.
  • Ngủ nhiều hơn mức bình thường (10 giờ ) mà vẫn cảm thấy buồn ngủ và khó khăn để duy trì trạng thái tỉnh thức vào ban ngày.
  • Rất khó thức dậy vào buổi sáng ( thường được gọi là say ngủ) hoặc khó thức dậy sau các giấc ngủ ngắn ban ngày, thỉnh thoảng thức dậy trong trạng thái bối rối hoặc nóng nảy.
  • Các giấc ngủ ngắn vào ban ngày không làm họ sảng khoải hoặc phục hồi, không làm họ tỉnh táo hơn sau đó.
  • Lo âu, cáu gắt, bồn chồn, bất an.
  • Giảm năng  lượng cơ thể.
  • Suy nghĩ chậm, nói chậm, khó tập trung, giảm trí nhớ.
  • Đau đầu.
  • Ăn không ngon miệng.
  • Ảo giác.

Nguyên nhân của chứng ngủ nhiều quá mức đến nay vẫn chưa được khám phá. Các nhà nghiên cứu đang tập trung nghiên cứu vào vai trò các chất dẫn truyền thần kinh và dịch não tủy như hypocretin/orexin, dopamine, histamine, serotonin and gamma-aminobutyric acid (GABA) để tìm ra nguyên nhân.

Yếu tố di truyền cũng là một khả năng khi có khoảng 39% người mắc chứng ngủ quá nhiều  có tiền sử gia đình có người cùng mắc. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét đến khả năng các loại gen quy định nhịp sinh học 24 giờ ở người mắc chứng ngủ quá nhiều vô căn có thể có những khác biệt so với người bình thường.

Mặc dù có một số triệu chứng giống nhau, tuy nhiên, chứng ngủ nhiều quá mức có khác biệt với chứng ngủ rũ như: Ngủ rũ có các cơn buồn ngủ đột ngột không cưỡng lại được, trong khi chứng ngủ nhiều quá mức thì không. Bên cạnh đó người mắc ngũ rũ có thể có lại cảm giác tỉnh táo trở lại sau một giấc ngủ ngắn, trong khi đó với chứng ngủ quá nhiều, người mắc thường phải ngủ hơn 1 giờ và không có cảm giác sảng khoái sau giấc ngủ đó.

Chẩn đoán và xét nghiệm hội chứng ngủ quá nhiều

Để chẩn đoán, người mắc có thể được yêu cần ghi chép lại nhật ký về lịch trình ngủ thức để theo dõi. Ngoài ra, người mắc còn có thể đeo hoạt động kế (actigraphy) ở tay để theo dõi nhịp ngủ thức trong vài tuần. Ngoài ra các phương pháp khác có thể được áp dụng để chẩn đoán chứng ngủ quá nhiều như:

  • Đo đa ký giấc ngủ. Phương pháp này được thực hiện trong giấc ngủ đêm, qua đó ghi nhận sóng não, kiểu thở, nhịp tim và các cử động của cơ trong các giai đoạn của giấc ngủ.
  • Nghiệm pháp đa tiềm thời giấc ngủ. Đây là phương pháp kiểm tra xu hướng buồn ngủ của một người vào ban ngày. Phương pháp này ghi nhận các hoạt động của não bao gồm số lượng các giấc ngủ ngắn mà trong đó có chứa giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).
  • Trả lời bảng hỏi giấc ngủ. Phổ biến nhất là các bảng hỏi thang đo buồn ngủ Epworth và Thang đo buồn ngủ Stanford.

Theo hướng dẫn từ Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, một người sẽ được chẩn đoán mắc chứng ngủ quá nhiều nếu:

  • Cảm giác buồn ngủ dù đã ngủ ít nhất 7 giờ và có thêm ít nhất một trong các triệu chứng đi kèm như: ngủ nhiều lần trong cùng một ngày, ngủ nhiều hơn 9 giờ nhưng vẫn không cảm thấy thoải mài và tỉnh táo, không cảm thấy tỉnh táo sau khi thức giấc đột ngột.
  • Trải qua chứng ngủ quá nhiều ít nhất 3 lần mỗi tuần và kéo dài ít nhất 3 tháng.
  • Người mắc cho biết họ bị khổ sở và suy giảm nhiều về mặt tinh thần, đời sống, công việc, quan hệ xã hội.

Phân loại chứng ngủ quá nhiều

Có nhiều cách để phân loại chứng ngủ quá nhiều. Tuy nhiên, cách phân loại được chấp nhận phổ biến là phân chứng ngủ quá nhiều làm 2 loại: ngủ quá nhiều nguyên phát và thứ phát.

Chứng ngủ quá nhiều thứ phát

Ngủ quá nhiều thứ phát xuất phát từ một số nguyên nhân có thể xác định được như:

  • Một số tình trạng sức khỏe hoặc bệnh tật như động kinh, suy giáp, viêm não, đa xơ cứng, bệnh Parkinson, béo phì, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), hội chứng giấc ngủ bị trì hoãn, các rối loạn di truyền, rối loạn tâm trạng (bao gồm trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm theo mùa)… Chứng ngủ quá nhiều cũng có thể do chấn thương đầu, khối u và các bệnh về hệ thần kinh trung ương.
  • Sử dụng một số loại thuốc men như: Thuốc an thần, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống động kinh, thuốc chống bệnh Parkinson, thuốc giãn cơ xương, thuốc chống loạn thần, thuốc phiện, cần sa và rượu có thể gây mất ngủ. Việc cai thuốc kích thích (bao gồm cả thuốc dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý) có thể gây ra chứng mất ngủ.
  • Hội chứng ngủ không đủ giấc, ngủ quá ít có thể dẫn đến chứng ngủ quá nhiều. Đây là khi một người không đi ngủ hoặc không ngủ đủ giấc từ 7 – 9 giờ mỗi ngày như một người trưởng thành bình thường.

Chứng ngủ nhiều nguyên phát

Đây là chứng ngủ nhiều quá mức do chính tự thân nó, không thể xác định được các nguyên nhân nào đã gây ra tình trạng ngủ nhiều quá mức này. Có 4 loại ngủ quá nhiều nguyên phát bao gồm:

  • Ngủ rũ loại 1.
  • Ngủ rũ loại 2.
  • Hội chứng Kleine-Levin. Đây là tình trạng các đợt ngủ nhiều cực đoan tái đi tái lại nhiều lần. Nó thường xảy ra cùng với các rối loạn tâm thần và hành vi. Mỗi đợt ngủ quá nhiều này thường kéo dài khoảng 10 ngày, một số đợt kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và tái lại nhiều lần trong năm. Nếu bạn mắc hội chứng Kleine-Levin, bạn vẫn tỉnh táo và hoạt động bình thường giữa các đợt. Hội chứng chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới trẻ tuổi. Hội chứng sẽ giảm dần trong từ 8 -12 năm.
  • Chứng ngủ quá nhiều vô căn. Vô căn có nghĩa là không rõ nguyên nhân, vì vậy chứng ngủ quá nhiều vô căn có nghĩa là bạn cảm thấy cực kỳ buồn ngủ mà không rõ lý do - ngay cả sau khi ngủ quá thời gian cần thiết cho một người bình thường (9 đến 10 giờ).

Điều trị và quản lý chứng ngủ quá nhiều

Điều trị chứng ngủ quá nhiều tùy thuộc vào các nguyên nhân đã gây ra chứng này. Có 2 cách phổ biến là uống thuốc và thay đổi lối sống.

  • Điều trị bằng thuốc: có thể sử dụng các chất thúc đẩy sự tỉnh táo như modafinil (Provigil®), armodafinil (Nuvigil®) and pitolisant (Wakix®) and solriamfetol (Sunosi®). Thuốc kích thích tâm thần bao gồm amphetamine, methylphenidate (Ritalin®, Daytrana®, Methylin®, Concerta®) hoặc dextroamphetamine (Procentra®, Dexedrine®, Zenzedi®). Những loại thuốc này có thể bị lạm dụng và nhiều tác dụng phụ. Ngoài ra, còn có thể sử dụng natri oxybate (Xyrem® hoặc Xywav®), flumazenil (Romazicon®) và clarithromycin (Biaxin®) khi các loại thuốc trên không hiệu quả.
  • Thay đổi lối sống: thực hành vệ sinh giấc ngủ lành mạnh như ngủ thức đúng giờ, mội trường ngủ thoải mái, tránh sử dụng các chất kích thích rượu bia, caffeine, thuốc lá trước khi ngủ sẽ giúp giảm các cơn buồn ngủ quá mức.

Hiện nay hầu như không có cách nào để phòng ngừa chứng ngủ quá nhiều. Chứng ngủ qúa nhiều là một loại bệnh mãn tính mà hầu như không có cách nào để chữa trị dứt điểm.

Để có thể sống chung và giảm các tác hại của chứng ngủ quá nhiều, bạn cần thực hiện các nguyên tắc vệ sinh giấc ngủ lành mạnh, tránh một số loại thức ăn và thuốc uống có thể gây ra các cơn buồn ngủ, cẩn thận khi lái xe hoặc điểu khiển các máy móc thiết bị nguy hiểm và tránh làm việc ca đêm.

Dù không nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng nhưng chứng ngủ quá nhiều có thể làm giảm chất lượng cuộc sống của bạn, làm hạn chế năng lực trong công việc, sinh hoạt gia đình và quan hệ xã hội, và có thể gây tai nạn giao thông khi lái xe.

 

Nguồn bài viết

Hypersomnia: Symptoms, Causes & Treatment (clevelandclinic.org)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ