Thiếu ngủ (Sleep deprivation) diễn ra do rất nhiều nguyên nhân và do đó hầu như không có cách nào chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, thiếu ngủ vẫn có thể điều trị được. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể áp dụng nhiều phương pháp vệ sinh giấc ngủ để hạn chế khả năng bị thiếu ngủ.
Bài cùng thể loại

Xem thêm: Thiếu ngủ gây tác hại nhiều hơn bạn nghĩ

Chẩn đoán và xét nghiệm thiếu ngủ

Để chẩn đoán thiếu ngủ, các chuyên gia thường chỉ cần hỏi một số câu hỏi cơ bản về triệu chứng, tiền sử bệnh tật và các thói quen sinh hoạt hằng ngày. Một số trường hợp cần thực hiện một số phương pháp xét nghiệm để xác định thêm một số tình trạng bệnh tật khác đang góp phần vào sự thiếu ngủ hoặc sự thiếu ngủ có đang gây ra một số vấn đề sức khỏe nào không. Các phương pháp thường được chỉ định thực hiện bao gồm:

  • Nghiên cứu đa ký giấc ngủ (Polysomnogram) được thực hiện để xem liệu người được nghiên cứu có mắc ngưng thở khi ngủ hay không.
  • Kiểm tra độ trễ giấc ngủ. (Multi sleep latency test - MSLT)
  • Kiểm tra khả năng duy trì sự tỉnh táo.
  • Đo điện não đồ.
  • Phương pháp Actigraphy: sử dụng thiết bị đo đeo ở cổ tay để ghi nhận chu kỳ giấc ngủ có gì bất thường hay không, thường được sử dụng để chẩn đoán rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học.

Điều trị thiếu ngủ như thế nào?

Thiếu ngủ diễn ra do rất nhiều nguyên nhân và do đó hầu như không có cách nào chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra, thiếu ngủ vẫn có thể điều trị được. Có nhiều cách để điều trị, trong đó một số phương pháp dựa trên cách tiếp cận tập trung vào việc thay đổi cách ngủ. Một số cách tiếp cận khác tập trung vào việc giải quyết những yếu tố làm gián đoạn giác ngủ.

Mốt số cách điều trị phổ biến như:

  • Thay đổi hành vi: một số người có thể khắc phục tình trạng thiếu ngủ đơn giản chỉ bằng cách thay đổi, điều chỉnh lại hành vi và thói quen ngủ.
  • Sử dụng thuốc: một số thuốc có thể giúp dễ ngủ, duy trì tốt giấc ngủ cũng như thay đổi cách ngủ. Một số thuốc thậm chí còn có thể thay đổi cả cách mà giấc mơ hiện ra, làm giảm những giấc mơ kinh hoàng, sợ hãi và một số phiền nhiễu khác trong giấc ngủ. Tuy nhiên, cần cẩn thận  vì một số loại thuốc có thể gây nghiện khi sử dụng.
  • Phương pháp hỗ trợ hô hấp: một số tình trạng ảnh hưởng đến hô hấp trong lúc ngủ như rối loạn ngưng thở khi ngủ có thể được điều trị bằng nhiều cách như: dụng cụ miệng, phẫu thuật mở rộng đường thở trên hoặc máy trợ thở áp lực dương.

Làm thế nào để kiểm soát được các triệu chứng thiếu ngủ?

Thiếu ngủ khá phổ biến và mọi người thường là tự tìm cách kiểm soát chúng. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng thiếu ngủ vẫn tiếp diễn và trầm trọng hơn dù đã nỗ lực kiểm soát, bạn cần đến cơ sở y tế để can thiệp. Điều này đặc biệt cần thiết khi bạn mắc ngưng thở khi ngủ, có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bạn cũng có thể áo dụng một số cách để hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa thiếu ngủ như:

  • Xây dựng thói quen ngủ tốt, giúp bạn có được giấc ngủ đầy đủ và chất lượng.
  • Dành thời gian để ngủ sao cho phù hợp với nhu cầu ngủ ở lứa tuổi của mình.
  • Hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử và ánh sáng khi đến giờ đi ngủ.
  • Tránh thức uống có cồn và ăn quá nhiều khi gần đến giờ đi ngủ.
  • Gia tăng các hoạt động thể chất có thể giúp gia tăng chất lượng giấc ngủ.
  • Đừng lệ thuộc vào thuốc ngủ: thuốc ngủ kê toa và một số loại không kê toa có thể gây tác động xấu khi sử dụng trong dài hạn.

Điều trị thiếu ngủ bao nhiêu lâu thì có hiệu quả?

Thời gian để phục hồi lại sau thời gian thiếu ngủ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả việc thiếu ngủ diễn ra bao lâu và mức độ nặng nhẹ thế nào. Hầu hết mọi người đều có thể phục hồi lại chỉ trong một hoặc vài đêm ngủ đủ, ngủ có chất lượng. Mốt số người bị thiếu ngủ dai dẳng thì cần ngủ nhiều đêm hơn để phục hồi.

Ngăn ngừa thiếu ngủ

Giảm các nguy cơ gây ra thiếu ngủ là khả thi, nhưng hầu như không thể ngăn ngừa nó hoàn toàn. Thiếu ngủ xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, một số nguyên nhân trong đó lại rất bình thường, diễn ra ở đâu đó trong trong cuộc đời của mỗi người, cho nên hầu như ai cũng phải có một vài lần thiếu ngủ trong đời.

Để giảm các nguy cơ dẫn đến thiếu ngủ, có thể tuân theo các phương pháp vệ sinh giấc ngủ đã nêu, dành nhiều thời gian để ngủ theo nhu cầu. Tuy nhiên một số nguyên nhân gây ra thiếu ngủ là hoàn toàn không thể phòng tránh, đặc biệt là các nguyên nhân đến từ các tình trạng bệnh lý. Đến cơ sở y tế để điều trị nếu bạn gặp các trường hợp này. Càng trị sớm càng ít nghiêm trọng.

Dự đoán tiên triển của chứng thiếu ngủ

Khi bị thiếu ngủ, đầu tiên là bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Khi tình trạng thiếu ngủ tiếp diễn, các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn và mệt mỏi càng rõ hơn. Nhiều người khó duy trì được sự tỉnh táo vào ban ngày, thậm chí ngay trong lúc làm việc. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy thiếu ngủ có thể làm hại đến não.

Thực tế nhiều người thường đánh giá thấp các tác hại của thiếu ngủ. Các nghiên cứu cho thấy, người bị thiếu ngủ thường không thể nhận ra được tình trạng này ảnh hưởng đến não, cơ thể và năng lực của họ đến mức nào.

Tình trạng thiếu ngủ vẫn sẽ kéo dài mãi nếu bạn vẫn không ngủ đủ giấc. Nó có thể là một đêm, vài tuần, vài tháng đến vài năm. Nếu bị thiếu ngủ trong thời gian dài hoặc thiếu ngủ nghiêm trọng, sẽ mất nhiều thời gian hơn để ngủ phục hồi.

Tiến triển của mất ngủ có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ nguyên nhân, mức độ nặng nhẹ và thời gian kéo dài cho đến sức khỏe tổng quát, các tình trạng bệnh tật mà bạn đang có. Thiếu ngủ thường không nguy hiểm trực tiếp nhưng nó có thể khiến bạn gặp nguy hiểm nếu bạn mệt mỏi đến mức không tập trung cho công việc, có thể gây tai nạn lao động hoặc lái xe.

 

Nguồn tham khảo

Sleep Deprivation: What It Is, Symptoms, Treatment & Stages (clevelandclinic.org)

Sleep Deprivation: Understanding the Hidden Consequences (sleepfoundation.org)

Is “Sleep Debt” Real? (sleepdoctor.com)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ