Thiếu ngủ (Sleep deprivation) có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cách chúng ta suy nghĩ và cảm nhận. Chỉ với 1 đêm thiếu ngủ đã khiến chúng ta mệt mỏi, suy nghĩ chậm, lờ đờ, mất năng lượng và tạo ra các trạng thái cảm xúc thất thường. Nhưng hơn thế nữa, sự thiếu ngủ dai dẳng trong dài hạn làm gia tăng nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe thể chất và tâm thần nghiêm trọng hơn.
Bài cùng thể loại

Như thế nào là thiếu ngủ ?

Thiếu ngủ là khi một người ngủ không đủ giấc theo nhu cầu của mình. Nó có thể diễn ra trong ngắn hạn với một hai đêm nhưng có thể cũng kéo dài dai dẳng qua nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Có vô số nguyên nhân dẫn đến chứng thiếu ngủ, phần nhiều trong số đó là vô hại, nhưng nó cũng có thể là một triệu chứng quan trọng của một vấn đề sức khỏe nào đó.

Mỗi người có một nhu cầu ngủ khác nhau, tuy nhiên, lượng thời gian cần để ngủ cũng gần tương đương nhau theo từng độ tuổi nhất định. Một số người có nhu cầu ngủ nhiều hoặc ít hơn đáng kể, tuy nhiên các trường hợp này không phổ biến. Lượng giấc ngủ bình quân phổ biến ở các lứa tuổi dao động như sau:

  • Trẻ mới sinh (dưới 3 tháng tuổ): tổng thời gian ngủ14 -17 tiếng mỗi ngày.
  • Trẻ sơ sinh ( từ 4-12 tháng): 12 – 16 tiếng/ngày.
  • Trẻ em (1-5 tuổi): 10 – 14 tiếng/ngày.
  • Trẻ em trong độ tuổi đến trường (6-12 tuổi): 9-12 tiếng/ngày.
  • Tuổi thiếu niên ( 13-18 tuổi): 8-10 tiếng/ngày.
  • Người trưởng thành: 7-9 tiếng/ngày.

Thiếu ngủ cũng có nhiều dạng khác nhau. Với một số người, thiếu ngủ là việc họ thức trong đêm hoặc nói cách khác là không ngủ được. Với một số khác, thiếu ngủ là bởi họ không có được một giấc ngủ có chất lượng, nên khi thức dậy họ vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Sự khác biệt giữa thiếu ngủ và mất ngủ là gì?

Thiếu ngủ và mất ngủ khá tương đồng nhưng không phải là một. Mất ngủ là khi bạn cố ngủ mà không ngủ được. Trong khi đó, thiếu ngủ là khi bạn không có đủ thời gian để ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc cả hai.

Thiếu ngủ có thể xảy ra với tất cả mọi người ở mọi thời điểm trong cuộc đời. Thiếu ngủ diễn ra khá phổ biến. Thống kê tại Mỹ cho thấy có từ 50 – 70 triệu người có đủ các tiêu chí của chứng thiếu ngủ. Với nhiều người trong số này, thiếu ngủ có thể xuất phát từ một vấn đề sức khỏe lớn hơn kéo dài hoặc từ một nguyên nhân nghiệm trọng hơn.

Thiếu ngủ tác động đến sức khỏe như thế nào

Để hiểu về tác động của, cần hiểu thêm về vai trò của các giai đoạn giấc ngủ trong một chu kỳ giấc ngủ. Theo đó, giấc ngủ của một người gồm 4 giai đoạn, bao gồm 3 giai đoạn giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (NREM) và 1 giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM).

Giai đoạn 1 là khi mới bắt đầu rơi vào giấc ngủ, chiếm khoảng 5%. Giai đoạn 2 chiếm khoảng 45% thời gian ngủ, được các nhà khoa học tin rằng có vai trò rất quan trọng cho trí nhớ và học tập. Giai đoạn 3 là giai đoạn giấc ngủ sâu nhất, chiếm khoảng 25% thời lượng ngủ. Nhiều bằng chứng cho thấy giai đoạn 3 của giấc ngủ là giai đoạn giúp các hệ thống trong cơ thể phục hồi.

Ba giai đoạn đầu thuộc về giấc ngủ NREM. Giai đoạn 4 là giai đoạn giấc ngủ REM. Đây là giai đoạn chúng ta có nhiều giấc mơ ly kỳ, sống động. Sau khi đi qua một chu kỳ gồm 4 giai đoạn giấc ngủ, chúng ta lại quay trở lại giai đoạn giấc ngủ 1,2 và bắt đầu một chu kỳ mới. Mỗi chu kỳ kéo dài từ 90-120 phút. Một người  ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm có thể trải qua 4-5 chu kỳ như thế.

Sự thiếu ngủ có tác động tiêu cực đến rất nhiều hệ thống, các cơ quan và các quá trình trong cơ thể như:

  • Tim và hệ tuần hoàn: người bị thiếu ngủ dai dẳng có nhiều khả năng bị cao huyết áp và bị tăng cholesterol (mỡ máu cao).
  • Hệ thống trao đổi chất: người bị thiếu ngủ có thể bị tiểu đường loại 2 cao hơn bình thường.
  • Hệ miễn dịch: không thể hoạt động hiệu quả nếu ngủ không đủ giấc.
  • Hệ thần kinh: những người bị thiếu ngủ thường có xu hướng nhạy cảm hơn với các cơn đau. Họ có thể cảm nhận cơn đau dễ dàng hơn hoặc cảm giác đau nhiều hơn.
  • Não: thiếu ngủ có tác động lên não một cách tiêu cực, đặc biệt trong khả năng nhớ và học tập. Nhiều bằng chứng cũng cho thấy thiếu ngủ có vai trò quan trọng trong việc làm phát triển bệnh Alzheimer.
  • Sức khỏe tâm thần: thiếu ngủ có thể làm bạn khó khăn trong trong việc quản lý cảm xúc. Người bị thiếu ngủ thường dễ có các triệu chứng của trầm cảm và lo âu.

Tác động của thiếu ngủ lên cơ thể phụ thuộc nhiều vào nguyên nhân tại sao lại thiếu ngủ và kéo dài bao lâu. Càng kéo dài lâu, các tác động càng lớn và trầm trọng hơn.

Thiếu ngủ có thể làm trầm trọng thêm một số tình trạng bệnh lý

Một mặt thiếu ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng bệnh lý, mặt khác thiếu ngủ có thể làm trầm trọng hơn chúng nếu đã mắc sẵn như: Tiểu đường loại 2, cao huyết áp, béo phì, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, bệnh về mạch máu, đột quỵ, đau tim, trầm cảm, lo âu và một số tình trạng rối loạn tâm thần.

Triệu chứng và nguyên nhân

Thiếu ngủ có nhiều triệu chứng phổ biến như: buồn ngủ ban ngày, mệt mỏi, cáu gắt, khó tập trung suy nghĩ, ghi nhớ, đau đầu và phản ứng chậm.

Khi thiếu ngủ kéo dài, các triệu chứng mỗi ngày thêm trầm trọng hơn. Một số triệu chứng có vẻ giống như chứng ngộ độc rượu. Một số triệu chứng phổ biến có thể thấy như:

  • Có những giấc ngủ rất ngắn: là khi một người thiếp đi chỉ vài giây rồi tỉnh dậy.
  • Không kiểm soát được chuyển động mắt (rung giật nhãn cầu)
  • Khó khăn khi nói chuyện.
  • Sụp mí mắt.
  • Rung tay.
  • Ảo giác thị giác và xúc giác.
  • Suy giảm khả năng phán đoán.
  • Hành vi bốc đồng, liều lĩnh.

Các giai đoạn phát triển của chứng thiếu ngủ

Thiếu ngủ phát triển qua từng giai đoạn, cụ thể là:

  • Giai đoạn 1: là khi một người không ngủ trong suốt 24 giờ. Ở giai đoạn này, ảnh hưởng của việc thiếu ngủ gần giống như trạng thái không an toàn như khi lái xe khi uống rượu bia.
  • Giai đoạn 2: Các triệu chứng của thiếu ngủ bắt đầu gia tăng. Người thiếu ngủ bắt đầu có những giấc ngủ rất ngắn không cưỡng lại được. Các giấc ngủ ngắn này chỉ kéo dài trong vài giây, còn được gọi là microsleep. Một số người nhìn vẫn như đang thức trong khi đang ngủ giấc ngủ rất ngắn này. Ngoài ra người thiếu ngủ còn gặp khó khăn trong suy nghĩ và tập trung.
  • Giai đoạn 3: Người thiếu ngủ bắt đầu có những ảo giác và gặp khó khăn khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
  • Giai đoạn 4: Các triệu chứng trên trở nên trầm trọng hơn. Ảo giác xuất hiệu nhiều hơn và người thiếu ngủ rất khó khăn để chỉ ra cái nào là thật, cái nào là ảo giác.

Các nguyên nhân của thiếu ngủ là gì?

Thiếu ngủ có thể xảy ra do vô số nguyên nhân, rất nhiều trong số đó liên quan đến hoàn cảnh sống như:

  • Làm việc theo ca ( đặc biệt là các ca làm việc một phần hoặc xuyên đêm)
  • Sử dụng, lạm dụng chất có cồn.
  • Uống nhiều café, uống gần giờ ngủ.
  • Thói quen ngủ không tốt.
  • Bị căng thẳng nặng.
  • Ngủ ở nơi lạ chỗ, như khách sạn khi đi du lịch.

Thiếu ngủ cũng có thể xuất phát từ một số nguyên nhân sức khỏe như:

  • Thiếu ngủ do ngưng thở khi ngủ.
  • Rối loạn thoái hóa não như Alzheimer hay Parkinson.
  • Các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
  • Chấn động não hoặc chấn thương sọ não.
  • Đau nhức.
  • Mất ngủ.
  • Hội chứng chân không yên.
  • Rối loạn cận giấc ngủ như: mộng du, giấc ngủ kinh hoàng, tê liệt khi ngủ...
  • Một số loại thuốc như: corticosteroids, một số chất kích thích.
  • Một số loại bệnh tật ngắn hạn và nhiễm trùng như cảm lạnh, cúm và một số bệnh khác.

Ngoài ra còn một số yếu tố sức khỏe tâm thần tác động lớn đến giấc ngủ. Điều đặc biệt là các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể tự làm chính nó trầm trọng thêm như một cái vòng lẩn quẩn. Ví dụ trầm cảm có thể gây khó ngủ và làm một người bị thiếu ngủ. Thiếu ngủ đến lượt nó lại quay trở lại làm trầm cảm thêm nặng hơn.

Một số tình trạng sức khỏe tâm thần thể tác động lên giấc ngủ như: lo lắng, trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, hưng cảm, rối loạn hoảng sợ, rối loạn căng thẳng sau chấn thương, chứng sợ ngủ.

Nguồn tham khảo

Sleep Deprivation: What It Is, Symptoms, Treatment & Stages (clevelandclinic.org)

Sleep Deprivation: Understanding the Hidden Consequences (sleepfoundation.org)

Is “Sleep Debt” Real? (sleepdoctor.com)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ