Nhiều chứng rối loạn giấc ngủ có những triệu chứng tương tự nhau, người mắc phải cần đến sự can thiệp của các chuyên gia để có thể chẩn đoán và điều trị đúng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu giúp bạn có thể phân biệt giữa các xáo trộn giấc ngủ thông thường và các nhóm rối loạn giấc ngủ bệnh lý cần phải được điều trị.
Bài cùng thể loại

1. Mất ngủ

Rất nhiều người mất ngủ có các triệu chứng cơ bản là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ và thức dậy sớm hơn mong muốn và không thể ngủ lại. Nhiều người chấp nhận chúng như một phần của cuộc sống của mình. Tuy nhiên, chúng có thể dẫn đến các nguy cơ khác như kém tập trung, trầm cảm, dễ gây tai nạn khi lái xe hoặc làm việc.

Nhiều người cũng có thể mất ngủ do các tác động từ môi trường bên ngoài như bay lệch múi giờ hoặc căng thẳng thần kinh, tuy nhiên các hiện tượng này chỉ kéo dài vài ngày. Nếu tình trạng gián đoạn giấc ngủ kéo dài theo thời gian thì có thể phát triển thành chứng mất ngủ mạn tính.

Cách điều trị chứng mất ngủ tốt nhất là giải quyết các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn bên trong cơ thể gây ra mất ngủ hoặc giải quyết các tác động từ bên ngoài. Ngoài ra, chứng mất ngủ còn có thể được can thiệp bằng nhiều phương pháp khác như: vệ sinh giấc ngủ - cải thiện thói quen giấc ngủ, liệu pháp hành vi nhận thức, thiền – thư giãn…

Ngoài ra mất ngủ còn có thể được điều trị bằng một số loại thuốc kê toa như: thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm, hoặc một số loại thuốc không kê toa giúp hỗ trợ giấc ngủ. Cần lưu ý, một số loại thuốc chứa thảo dược được quảng cáo là hỗ trợ giấc ngủ, cho đến hiện tại chưa có một bằng chứng cụ thể nào chứng minh hiệu quả của chúng. 

2. Buồn ngủ ban ngày quá mức (Excessive Daytime Sleepiness - EDS)

Nếu bạn thỉnh thoảng có những ngày mệt mỏi, đánh vật với cơn buồn ngủ thì không sao. Tuy nhiên nếu bạn đột nhiên ngủ quên khi đang làm việc hoặc ngủ gật khi đang lái xe giữa ban ngày thì đây là một điều nguy hiểm. Buồn ngủ ban ngày quá mức là một triệu chứng chung của các chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, chứng ngủ rũ và rối loạn vận động chân tay khi ngủ.

Chứng ngưng thở khi ngủ có thể được điều trị bằng các thiết bị y tế hỗ trợ

Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn OSA: được biểu hiện chủ yếu bằng tiếng ngáy to, ngáy ngắt quãng, thở hổn hển, nghẹt thở, khịt mũi hoặc ngừng thở tạm thời. Nguyên nhân là do một số người khi ngủ, các cơ ở cổ họng rơi vào trạng thái thư giãn, khiến đường thở bị thu hẹp lại hoặc thậm chí đóng kín khiến đường thở bị tắc nghẽn.

Hiện tượng này diễn ra hàng trăm lần trong đêm, nhịp thở bị gián đoạn nhiều lần khiến người mắc phải thức dậy nhiều lần nhưng họ không ý thức được rõ ràng, dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn tạo ra hiện tượng buồn ngủ dai dẳng hoặc mệt mỏi quá mức vào ban ngày.

Các phương pháp điều trị chứng ngưng thở khi ngủ bao gồm: giảm béo phì, áp lực đường thở dương liên tục (CPAP), chuyển tư thế ngủ nghiêng, sử dụng các thiết bị nha khoa định vị hàm dưới giúp đường thở thông thoáng, phẫu thuật. Cho đến nay hầu như chưa ghi nhận loại thuốc nào được chứng minh là có hiệu quả với OSA.

Chứng ngủ rũ: là khi người mắc gần như không thể kiểm soát được các cơn buồn ngủ kéo đến vào nhiều thời điểm trong ngày. Điều này dẫn đến hiện tượng không tỉnh táo trong thời gian dài và giấc ngủ bị xáo trộn.

Hiện nay chưa có cách chữa trị chứng này nhưng có thể điều trị bằng một số loại chất kích thích chống cơn buồn ngủ, thuốc chống trầm cảm, một số loại thuốc để chống mất kiểm soát cơ đột ngột (cataplexy), chống tê liệt khi ngủ và chống ảo giác thôi miên (hypnagogic hallucinations). Ngoài ra, người mắc cũng có thể xắp xếp các khoảng thời gian hợp lý để chợp mắt vào ban ngày có thể giúp hạn chế những rắc rối gây ra bởi các cơn buồn ngủ bất ngờ. 

Chứng rối loạn vận động chân tay định kỳ khi ngủ (Periodic Limb Movements of Sleep): người mắc thường đá hoặc giật chân tay khi ngủ, lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm. Người mắc chứng này, cũng giống như chứng ngưng thở khi ngủ thường không biết được mình thức dậy nhiều lần trong đêm, làm gián đoạn giấc ngủ khiến họ trở nên buồn ngủ quá mức vào ban ngày.

Hội chứng rối loạn vận động chân tay định kỳ khi ngủ thường được điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc được dùng trong điều trị bệnh Parkinson, rối loạn vận động. Ngoài ra, thuốc ngủ cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa tình trạng kích thích do cử động chân tay.

Hội chứng chân không yên: Đặc trưng bởi cảm giác bồn chồn, khó chịu, đôi khi đau đớn ở chân. Người mắc hội chứng này có nhu cầu và thôi thúc phải di chuyển, cử động, co giật ở chân mà không cách nào cưỡng lại được dù ý thức được nhu cầu này. Triệu chứng thường diễn ra vào lúc bắt đầu giấc ngủ ban đêm hoặc lúc thỉnh thoảng lúc nghỉ ngơi ban ngày.

Triệu chứng này chỉ dịu đi khi người mắc bắt buộc cử động chân hoặc đi bộ. Vì nó diễn ra lúc người mắc hội chứng chân không yên cố đi vào giấc ngủ nên kết quả là họ bị khó ngủ, bị thiếu ngủ hoặc mất ngủ, dẫn đến ban ngày mệt mỏi và buồn ngủ.

Nguyên nhân của chứng này hiện vẫn chưa có lời giải. Người gặp phải chứng này có thể điều trị bằng cách thư giãn, mát xa, bổ sung chất sắc, uống thuốc, trong đó có thể sử dụng nhiều loại thuốc dùng cho chứng rối loạn vận động chân tay khi ngủ.

3. Chứng rối loạn cận giấc ngủ (Parasomnia)

Các triệu chứng của chứng mất ngủ giả rất đa dạng, từ bình thường đến cực đoan thậm chí đôi khi khiến người mắc phải có ám ảnh sợ giấc ngủ. Có 3 chứng mất ngủ giả phổ biến:

  • Mộng du: Mộng du diễn ra trong giấc ngủ sâu (giấc ngủ chuyển động mắt nhanh REM). Người mộng du thường thực hiện các hành động thường ngày trong lúc ngủ như giặt giũ, lau nhà, dọn dẹp đồ đạc. Cơn mộng du có thể được kích hoạt do căng thẳng, lo lắng, uống quá nhiều rượu hoặc động kinh.
  • Giấc ngủ kinh hoàng (Night terrors): người mắc thường thức giấc hoảng loạn, sợ hãi và la hét trong đêm. Nhưng điều ngạc nhiên là những người này nhìn có vẻ tỉnh ngủ, thậm chí mắt mở to nhưng thực tế lại không hề tỉnh. Do vậy họ thường có xu hướng không nhớ gì về tình trạng vừa trải qua, khác với những người gặp ác mộng, vẫn nhớ về nội dung giấc mơ của mình.
  • Rối loạn ăn uống khi ngủ (Sleep-eating disorders): giống như người bị mộng du, những người mắc chứng này thường ăn uống trong lúc ngủ và không ý thức được và không nhớ gì về việc mình đã làm.

Về điều trị, với người mộng du hay rối loạn ăn uống khi ngủ, nếu mức độ có thể gây nguy hiểm cho bản thân họ, có thể can thiệp bằng các kỹ thuật thư giãn như thôi miên và uống một số loại thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm để tránh tình trạng thức giấc một phần gây ra cơn mộng du. Người mộng du cũng nên loại bỏ các đồ vật có thể gây thương tích cho họ trong không gian ngủ của mình.

Trong khi đó, giấc ngủ kinh hoàng có thể được điều trị bằng thuốc ngủ, thuốc chống trầm cảm hoặc thư giãn.

Với những triệu chứng hay dấu hiệu đã mô tả, nếu nghi ngờ mình mắc chứng rối loạn giấc ngủ, bạn nên tìm đến các bác sĩ, chuyên gia để vừa tìm ra ngọn nguồn và mức độ nghiêm trọng của hội chứng, vừa tím ra phương pháp điều trị hiệu quả. 

Hãy xem xét các dấu hiệu dưới đây để xem liệu bạn có thể mắc chứng rối loạn giấc ngủ và cần phải điều trị hay không.

  • Bạn cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày, ngay cả khi bạn đã ngủ ngon giấc vào ban đêm?
  • Bạn cảm thấy rất khó chịu khi không thể ngủ được?
  • Bạn thường thức dậy vào ban đêm và sau đó khó ngủ lại?
  • Bạn thường phải mất rất lâu mới có thể đi vào giấc ngủ?
  • Bạn thường thức dậy rất sớm và không thể ngủ lại được?
  • Bạn cảm thấy khó chịu, bồn chồn ở chân vào ban đêm?
  • Bạn thường xuyên cử động hoặc co giật trong đêm?
  • Bạn thỉnh thoảng thức dậy trong đêm và thở hổn hển?
  • Bạn cùng giường của bạn có nói rằng tiếng ngáy của bạn khiến họ không ngủ được?
  • Bạn đã ngủ quên khi đang lái xe?

Nếu bạn trả lời có với ít nhất một câu hỏi trên đây, bạn có thể đã có một triệu chứng của chứng rối loạn giấc ngủ. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc đến một cơ sở y tế phù hợp.

Theo Havard Medical School

Nguồn: 

https://sleep.hms.harvard.edu/education-training/public-education/sleep-and-health-education-program/sleep-health-education-52

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ