Đau đầu do ngưng thở khi ngủ là những cơn đau đầu vào buổi sáng, lặp lại nhiều lần trong ít nhất 15 ngày trong mỗi tháng ở người mắc rối loạn ngưng thở khi ngủ. Cảm giác đặc trưng của chứng đau đầu này là bị đau như có gì đó đè nặng, dồn ép ở cả hai bên đầu.
Bài cùng thể loại

Ước tính có khoảng 18% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) có triệu chứng đau đầu buổi sáng. OSA xảy ra khi đường thở bị thu hẹp một phần khiến lượng không khí đi vào phổi bị hạn chế hoặc đường thở bị tắc nghẽn hoàn toàn trong một khoảng thời gian khi ngủ.

Như thế nào là đau đầu do ngưng thở khi ngủ?

Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu buổi sáng. Theo Phân loại quốc tế về rối loạn đau đầu (ICHD-3) chứng đau đầu do ngưng thờ khi ngủ có một số đặc điểm điển hình như:

  • Chứng nhức đầu chỉ xuất hiện vào buổi sáng, sau khi ngủ.
  • Nhức cả hai bên đầu, như có gì đó đè nặng mà không có các triệu chứng buồn nôn, sợ ánh sáng và sợ âm thanh.
  • Nhức đầu phát triển theo thời gian cùng với chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Có chỉ số AHI từ 5 trở lên.
  • Cơn đau đầu trầm trọng thêm khi chứng ngưng thở khi ngủ nặng hơn và giảm đáng kể khi chứng ngưng thở khi ngủ được cải thiện.
  • Không tìm thấy nguyên nhân nào khác của chứng nhức đầu này.
  • Chứng nhức đầu thường xuất hiện trong khoảng từ 15 ngày trở lên mỗi tháng.
  • Kéo dài trong khoảng 4 giờ trở lại.

Hầu hết nhức đầu do ngưng thở khi ngủ xuất hiện vào buổi sáng, tuy nhiên một số người lại bị đau vào nửa đêm. Đau đầu do ngưng thở khi ngủ khác với chứng đau nửa đầu do không có các triệu chứng đi kèm như buồn nôn, sợ ánh sáng và sợ âm thanh.

Hiện tại, giới chuyên gia vẫn không thống nhất liệu mức độ nặng nhẹ của ngưng thở khi ngủ có liên quan đến đau đầu buổi sáng hay không. Một số nghiên cứu cho thấy rằng chứng đau đầu buổi sáng rất phổ biến ở những người mắc OSA ở mức trung bình và nặng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác thì cho thấy mức độ trầm trọng của OSA không ảnh hưởng gì đến khả năng bị đau đầu.


 

Phân biệt đau đầu do ngưng thở khi ngủ và một số chứng đau đầu khác.

Đau đầu từng cơn

Đau đầu từng cơn (Cluster Headaches) thường xuất hiện trong thời gian ngủ, trong khi đau đầu do ngưng thở khi ngủ xuất hiện khi thức dậy. Ngoài ra đau đầu từng cơn còn có các triệu chứng khác đi kèm như sổ mũi hoặc nghẹt mũi, chảy nước mắt, đổ mồ hôi trên trán hoặc mặt, sưng húp mặt hoặc sụp mí mắt.

Đau đầu trong giấc ngủ

Đau đầu trong giấc ngủ (Hypnic Headaches) thường diễn ra vào ban đêm, trong khi ngủ, thường gặp ở người lớn tuổi. Đau đầu khi ngủ thường xuất hiện vào khoảng 4-6 giờ sau khi đi vào giấc ngủ và thường làm bệnh nhận thức dậy nên thường được gọi là nhức đầu báo thức. Đau đầu khi ngủ thường diễn ra trong khoảng 30 phút và thường kèm triệu chứng buồn nôn.

Đau nửa đầu

Đau nửa đầu (Migraines) thường kéo dài lâu hơn từ vài giờ cho đến 3 ngày, trong khi đau đầu do ngưng thở khi ngủ chỉ kéo dài trong khoảng 4 giờ trở lại. Đau nửa đầu chỉ đau một bên đầu nào đó. Đau nửa đầu có thể diễn ra bất kể ngày đêm và đi kèm với triệu chứng buồn nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Điều gì gây ra đau đầu do ngưng thở khi ngủ?

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn điều gì đã gây ra đau đầu do ngưng thở khi ngủ. Nhiều ý kiến cho rằng đau đầu do ngưng thở khi ngủ có liên quan đến nồng độ oxy máu sụt giảm ở những người mắc ngưng thở khi ngủ.

Một số chuyên gia cho rằng chứng đau đầu do ngưng thở khi ngủ có thể xuất phát từ sự thiếu oxy máu. Như đã biết, người mắc ngưng thở khi ngủ thường có những cơn ngưng, giảm thở diễn ra nhiều lần trong lúc ngủ. Kết quả là phổi sẽ thiếu oxy, dẫn đến nồng độ oxy trong máu sụt giảm.

Lúc này lượng oxy mà máu cung cấp cho não cũng sụt giảm theo và làm lượng CO2 tích tụ nhiều hơn trong máu. Điều này làm các mạch máu trong não giãn nở, tạo thành các áp lực, gây ra các cơn đau đầu.  

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho thấy những người mắc OSA bị đau đầu lại có cùng một mức nồng độ oxy và số lần ngừng thở tương tự như người mắc OSA không bị đau đầu. Do vậy, mặc dù tình trạng thiếu oxy trong máu có thể góp phần gây ra một số cơn đau đầu vào buổi sáng, nhưng ngoài ra phải còn có một nguyên nhân khác gây ra chứng đau đầu do ngưng thở khi ngủ.

Điều trị bằng phương pháp CPAP

Điều trị đau đầu do ngưng thở khi ngủ thế nào?

Đau đầu vào buổi sáng có thể là triệu chứng của rối loạn ngưng thở khi ngủ. Do vậy bạn cần lưu ý thêm ngoài việc đau đầu vào buổi sáng, bạn hoặc người thân có các triệu chứng khác của OSA như:

  • Ngáy to, thở hổn hển hoặc nghẹt thở khi ngủ.
  • Thức dậy do thở hổn hển hoặc nghẹt thở.
  • Cảm thấy giấc ngủ của bạn không được sảng khoái.
  • Các triệu chứng ban ngày như buồn ngủ quá mức hoặc năng lượng thấp hơn.

Khi nghi ngờ bạn bị đau đầu cho chứng ngưng thở khi ngủ, cần đến bác sĩ để can thiệp. Thuốc giảm đau có thể giải quyết tức thời cơn đau đầu tuy nhiên, để phòng ngừa chúng tái diễn bạn cần phải điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.

Hiện nay có nhiều cách để chữa trị hiệu quả chứng ngưng thở khi ngủ. Khi điều trị thành công chứng ngưng thở khi ngủ, cơn đau đầu cũng sẽ được giải quyết . Những phương pháp phổ biến để điều trị ngưng thở khi ngủ bao gồm:

  • Sử dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục (CPAP). Đây đang được xem là phương pháp hiệu quả nhất để giải quyết các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ và nâng cao chất lượng cuộc sống.
  • Sử dụng các dụng cụ miệng. Phương pháp này được khuyến khích với những người mắc ngưng thở khi ngủ ở mức nhẹ và trung bình. Các thiết bị này được đeo, ngậm vào miệng khi ngủ, qua đó làm thông thoáng đường thở của bạn bằng cách di chuyển hàm về phía trước và giữ lưỡi ở đúng vị trí.
  • Phương pháp phẫu thuật cắt amidan hoặc phẫu thuật tạo hình hầu họng được áp dụng trong trường hợp các phương pháp điều trị ít xâm lấn khác đều không hiệu quả.
  • Thay đổi lối sống: thực hiện tốt vệ sinh giấc ngủ, giảm béo phì, ăn kiêng, hạn chế uống rượu bia, thay đổi tư thế ngủ từ nằm ngửa sang nằm nghiêng hoặc nằm sấp…

 

Nguồn tham khảo

10.1.4 Sleep apnoea headache - ICHD-3

Can Sleep Apnea Cause Morning Headaches? (sleepfoundation.org)

Sleep Apnea Headache: Symptoms, Diagnosis, and Treatment (healthline.com)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ