Rối loạn ngưng thở khi ngủ khá phổ biến với ước đoán khoảng 1 tỷ người mắc trên toàn thế giới. Ở trẻ em, tỷ lệ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khoảng từ 1-5% ở tất cả các độ tuổi từ giai đoạn trẻ sơ sinh cho đến tuổi thiếu niên. Trong đó, phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 2-6 tuổi.
Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em là tình trạng trẻ bị ngưng, giảm thở tạm thời, thay đổi kiểu thở do đường thở bị tắc nghẽn hoặc do não bộ không kết nối được với các cơ hô hấp.
Khi cảm nhận thấy lượng không khí vào cơ thể suy giảm, não sẽ gửi tín hiệu đến phổi để nỗ lực thở trở lại. Khi đó trẻ sẽ bị thức giấc giữa chừng. Tình trạng thức giấc này cũng tương tự như trường hợp điện thoại reo khi bạn đang ngủ, bạn thức dậy nhưng không trả lời điện thoại mà ngủ lại ngay sau đó.
Tuy nhiên, những lần gián đoạn ngắn này lại có tác động xấu đến giấc ngủ của trẻ, khiến trẻ mệt mỏi vào ban ngày.
Các loại ngưng thở khi ngủ diễn ra ở trẻ em
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn(OSA): ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn xảy ra phổ biến nhất, do đường thở trên của trẻ bị tắc nghẽn.
Ngưng thở khi ngủ trung ương(CSA): dạng này hiếm gặp hơn, thường xảy ra ở trẻ mới sinh khi não gặp vấn đề trong việc kết nối với các cơ điều khiển hô hấp.
Ngưng thở khi ngủ hỗn hợp, phức tạp: Đây là một dạng của ngưng thở khi ngủ trung ương. Chứng ngưng thở khi ngủ hỗn hợp xảy ra khi trẻ mắc OSA và điều trị với máy trợ thở áp lực dương liên tục (CPAP). Trong quá trình điều trị này, trẻ lại tiếp tục mắc CSA.
Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có nguy hiểm không?
Mặc dù ở trẻ em phần lớn các chứng ngưng thở khi ngủ là ở thể nhẹ, tuy nhiên nếu không được điều trị có thể làm phát sinh các biến chứng nguy hiểm như:
Bị hạn chế về khả năng phát triển.
Mất kiểm soát bàng quang (đái dầm).
Mắc các bệnh về tim phổi.
Rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD).
Các thay đổi trong cách ngủ của trẻ có thể ảnh hưởng đến hành vi, cảm xúc và năng lực học tập ở trẻ.
Triệu chứng và dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ ở trẻ em
Một số dấu hiệu và triệu chứng diễn ra vào ban đêm khi ngủ:
Thở bằng miệng, thở to hoặc ngáy.
Có những khoảng ngừng thở ngắn.
Ho hoặc nghẹt thở.
Ngủ không yên.
Đổ mồ hôi đêm.
Mộng du hoặc nói mớ.
Đái dầm.
Một số dấu hiệu xảy ra vào ban ngày:
Mệt mỏi.
Thiếu chú ý hoặc thiếu tập trung.
Cáu kỉnh, hung hăng hoặc có vấn đề trong cảm xúc và hành vi.
Nhức đầu buổi sáng.
Nguyên nhân gây ra ngưng thở khi ngủ ở trẻ em
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có nguyên nhân từ việc đường thở bị cản trở hoặc bị gián đoạn. Ngưng thở khi ngủ trung ương có nguyên nhân từ sự mất kết nối của bộ não và các cơ phụ trách hô hấp. Nhiều trường hợp sử dụng máy trợ thở áp lực dương CPAP cũng là nguyên nhân gây ra chứng ngưng thở khi ngủ hỗn hợp.
Sự tắc nghẽn đường thở ở OSA có thể do các nguyên nhân như:
Amidan hoặc vòm họng nở rộng. Chúng có thể phình to hơn làm hẹp đường hô hấp khi bị nhiễm trùng hoặc bị viêm. Ngoài ra amidan và vòm họng có thể to hơn bình thường do các đặc điểm di truyền để lại.
Trương lực cơ thay đổi. Một số chứng như hội chứng Down, bại não có thể làm thay đổi trương lực cơ ở vùng đầu và cổ của trẻ. Trương lực cơ vẫn bình thường vào ban ngày nhưng bị giảm khi ngủ vào ban đêm khiến các cơ thả lỏng và làm hẹp đường thở.
Cấu trúc xương bất thường. Cấu trúc xương mặt hẹp, hàm nhỏ hoặc khớp cắn quá mức (hàm dưới bị lọt thỏm và khuất sâu bên trong của hàm trên) có thể làm cản trở lượng không khí hít vào phổi.
Khối u trong đường thờ. Các trường hợp này rất hiếm gặp.
Các yếu tố nguy cơ có thể khiến trẻ em dễ mắc ngưng thở khi ngủ.
Dị ứng.
Hen suyễn.
Phẫu thuật hở hàm ếch hoặc vạt hầu.
Tiếp xúc với khói thuốc lá.
Lịch sử gia đình có người mắc ngưng thở khi ngủ (khuynh hướng di truyền).
Béo phì.
Trào ngược axit.
Nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Điều trị ngưng thở khi ngủ ở trẻ em như thế nào
Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có thể được chẩn đoán thông qua phương pháp đo đa ký giấc ngủ. Ngoài ra bác sĩ cũng có thể chỉ định chụp X quang hoặc nội soi mũi để phát hiện những bất thường trong đường thở.
Việc điều trị sau đó tùy thuộc vào mức độ năng nhẹ, tập trung vào việc làm thông thoáng đường thở. Các phương pháp trị liệu có thể được áp dụng bao gồm:
Phẫu thuật để loại bỏ amidan hoặc vòm họng nở to, chỉnh sửa cấu trúc xương ở phần đầu và cổ để tạo không gian cho không khí lưu thông.
Thay đổi lối sống. Các bài tập thể dục thông thường có thể làm mở rộng đường thở của trẻ một cách tự nhiên. Ngoài ra, áp dụng chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp trẻ giữ thân hình cân đối tương xứng với từng độ tuổi.
Sử dụng thuốc. Một số loại thuốc có thể giúp làm thông thoáng hoặc mở rộng đường thở tùy vào nguyên nhân gây ra ngưng thở khi ngủ ở trẻ. Ví dụ một số loại thuốc chống dị ứng như thuốc kháng histamine, fluticasone (Flonase®), montelukast (Singulair®). Thuốc thông mũi có thể có hiệu quả nếu trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
Sử dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục. Áp lực của máy CPAP sẽ giúp mở rộng đường thở của trẻ, giúp trẻ thở bình thường trong khi ngủ.
Phương pháp sử dụng máy CPAP
Nếu trẻ mắc ngưng thở khi ngủ hỗn hợp sau khi điều trị OSA, bác sĩ điều trị có thể điều chỉnh lại áp lực không khí của máy CPAP hoặc điều chỉnh lại mặt nạ của máy. Hầu hết là do áp lực quá mạnh hoặc quá yếu. Phần lớn các trường hợp ngưng thở khi ngủ hỗn hợp đều có sự cải thiện rõ rệt sau khi điều chỉnh lại máy CPAP.
Nếu thấy con mình thường xuyên thức giấc giữa đêm hoặc hơi thở bị gián đoạn khi ngủ bạn cần tìm đến bác sĩ. Bên cạnh đó, nếu thấy trẻ thở khó khăn hoặc da, môi, móng tay của trẻ bị nhợt nhạt, chuyển sang màu xanh hoặc xám thì hãy đưa trẻ đi cấp cứu.
Khi được điều trị, các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ có sẽ biến mất và không ảnh hưởng lâu dài khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp triệu chứng vẫn theo trẻ khi lớn lên và cần được điều trị kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Một số trường hợp trẻ mắc ngưng thở khi ngủ ở mức độ nhẹ, chúng có thể tự khỏi dần trong quá trình trưởng thành khi các mô quanh cổ họng co lại làm mở rộng đường thở của trẻ. Phương pháp phẫu thuật vòm họng và amidan cũng khá hiệu quả trong các trường hợp này.
Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán hoặc đang điều trị ngưng thở khi ngủ tỏ ra lo lắng về khả năng tình dục của mình. Liệu rối loạn ngưng thở khi ngủ có khả năng tác động đến hoạt động tình dục của người mắc hay không? Dưới đây là một số lời giải đáp.
Đối với một số người vận hành máy móc hoặc lái xe, vấn đề buồn ngủ khi vận hành những thiết bị như vậy, cực kỳ nguy hiểm, tài xế có thể gây ra tai nạn; công nhân vận hành máy móc thì tai nạn lao động xảy ra do tình trạng buồn ngủ.
Thừa cân, béo phì và ngưng thở khi ngủ có mối quan hệ qua lại khá phức tạp. Thừa cân không những có thể gây ra ngưng thở khi ngủ mà còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và các tác động bất lợi cho sức khỏe
Với hầu hết mọi người, tiểu đêm thường xuyên là một cảm giác rất khó chịu và làm suy giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ. Nhiều bằng chứng cho thấy rối loạn ngưng thở khi ngủ thường tồn tại chung với tiểu đêm và có tác động qua lại lẫn nhau.
Trên toàn thế giới, chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ tác động đến khoảng 1 tỷ người trưởng thành nhưng ít ai biết do nó xảy ra trong lúc ngủ và phải mất rất nhiều thời gian để người mắc phải nhận ra và chữa trị.
Rối loạn ngưng thở khi ngủ có liên quan đến rất nhiều biến chứng, trong đó đặc biệt là các biến chứng về tim mạch như: bệnh tim mạch vành, suy tim, đột quỵ và nhịp tim không đều.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng buồn ngủ ban ngày quá mức, cùng với đó là suy yếu khả năng nhận thức, từ đó làm suy giảm khả năng lái xe an toàn.
Khi có một số dấu hiệu nghi ngờ là ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA), bạn cần đến gặp các chuyên gia y tế để chẩn đoán. Nếu xác định mắc CSA, có nhiều phương pháp để điều trị phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu và mức độ nặng nhẹ của từng người.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (Central sleep apnea - CSA) là một dạng rối loạn tác động đến hơi thở trong khi ngủ. Nếu không được điều trị, CSA có thể làm gián đoạn giấc ngủ bình thường và dẫn đến các cơn buồn ngủ ban ngày quá mức, suy giảm trí nhớ, khả năng suy nghĩ cũng như tăng nguy cơ mắc lỗi và gây ra tai nạn. Tại Mỹ, ước tính có khoảng 0,9% người trên 40 tuổi bị ảnh hưởng do chứng CSA.
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ do tắc nghẽn và đi khám bệnh, bác sĩ có thể cho bạn làm một số xét nghiệm hoặc đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán bệnh. Trong kết quả đo đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp chẩn đoán sẽ có một thông số chỉ số gọi là AHI. Bạn có thể sẽ thắc mắc AHI là gì?
Ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngưng thở khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng đến mực độ oxy trong cơ thể.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan cũng như một số tác động qua lại giữa chứng ngưng thở khi ngủ và môt số bệnh đồng mắc như: béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ và hen suyễn.