Ngáy là hiện tượng phổ biến, diễn ra trong lúc ngủ, khi đường thở trên bị thu hẹp một phần hoặc bị tắc nghẽn hoàn toàn khiến không khí không thể lưu thông một cách tự nhiên, làm các mô ở đường thở rung lên và tạo thành tiếng ngáy.
Bài cùng thể loại

Rất nhiều người có thói quen ngáy khi ngủ, chiếm khoảng 44% ở nam giới và 28% nữ giới trưởng thành trong độ tuổi từ 30 – 60 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng ngáy như: đặc điểm giải phẫu sinh lý tự nhiên, thói quen, lối sống, tuổi tác, tư thế ngủ và rối loạn ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA).

Rối loạn ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn

Không phải ai ngáy cũng mắc OSA, nhưng hầu hết người mắc OSA đều ngáy. OSA là một dạng rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ với dấu hiệu chính là những lần ngưng giảm thở diễn ra nhiều lần, lặp đi lặp lại trong lúc ngủ do đường thở bị thu hẹp một phần hoặc bị tắc nghẽn.

Người mắc OSA thường ngáy to xen kẽ những khoảng lặng do ngưng thở. Khi họ thở trở lại thường có âm thanh giống như đang thở thở hổn hển hoặc nghẹt mũi. Người mắc OSA thường có nguy cơ mắc một số bệnh tật nghiêm trọng hơn như trầm cảm, cao huyết áp và bệnh tim. Ngoài ra nó còn làm giảm chất lượng giấc ngủ, làm người mắc mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày.

 OSA có thể điều trị bằng nhiều phương pháp như sử dụng máy trợ thở áp lực dương liên tục (CPAP), thay đổi lối sống, sử dụng thiết bị miệng và phẫu thuật.

Rượu và thuốc an thần

Rượu và thuốc an thần có thể gây ra ngáy do tác dụng làm thư giãn các cơ xung quanh cổ họng. Những người ngáy mạn tính, gồm cả những người mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thường ngáy nhiều hơn, to hơn sau khi uống rượu. Một số bác sĩ khuyên nên tránh cồn và mốt số thuốc an thần, giảm đau vài tiếng trước khi đi ngủ để giảm ngáy.

Hút thuốc lá

Cho đến nay chưa ai hiểu được vì sao những người hút thuốc lại dễ ngáy hơn người không hút thuốc. Một số ý kiến cho rằng, có lẽ nguyên nhân là do tình trạng phù nề và viêm đường hô hấp trên ở những người hút thuốc.

Bỏ thuốc là có thể làm giảm ngáy, tuy nhiên cần phải có thời gian. Một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ngáy ở những người bỏ thuốc lá vẫn tăng, tuy nhiên sau 4 năm thì tỷ lệ ngáy ở những người bỏ thuốc giảm đáng kể, về mức tương tự như tỷ lệ ngáy ở người không hút thuốc.

Đặc điểm giải phẫu đầu và cổ

Hình dáng và kích thước của một số cấu trúc, bộ phận trong cơ thể cũng có thể góp phần làm hạn chế đường thở trên và gây ra ngáy. Điển hình như một số người bị lệch vách ngăn mũi có nguy cơ bị ngáy nhiều hơn. Ngoài ra, các tình trạng như polyp mũi (u lành tính), hàm nhỏ, lưỡi to hoặc amidan to cũng có thể góp phần gây ra ngáy.

Các trường hợp này có thể điều trị được thông qua phương pháp phẫu thuật hoặc sử dụng các dụng cụ miệng. Cả hai phương pháp đều có tác dụng hỗ trợ làm thông thoáng đường thở giúp không khí lưu thông dễ dàng, đặc biệt có hiệu quả cao với các bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Nghẹt mũi mạn tính

Nghẹt mũi khi ngủ có thể gây ra ngáy do nó hạn chế không khí vào phổi và làm cho đường thở xẹp xuống. Dị ứng, nhiễm trùng, vách ngăn mũi lệch, tiếp xúc với không khí khô có thể gây ra nghẹt mũi. Khi các tác nhân này diễn ra thường xuyên, chứng nghẹt mũi trở thành mạn tính dẫn đến thói quen ngáy thường xuyên khi ngủ.

Nghiên cứu cho thấy, người ở tuổi trung niên thường xuyên bị nghẹt mũi có thể bị ngáy cao hơn 3 lần so với người bình thường. Điều trị ngáy do nghẹt mũi mạn tínhthuộc vào nguyên nhân đã gây ra nghẹt mũi. Có thể sử dụng các loại thuốc xịt thông mũi để hỗ trợ.

Tư thế ngủ

Ngáy thường xuất hiện nhiều hơn ở tư thế ngủ nằm ngửa. Khi nằm ngửa, trọng lực sẽ kéo các mô bao quanh đường thở xuống phía dưới, làm đường thở xẹp lại làm cản trở không khí ra vào phổi và gây ra ngáy.

Về cách điều trị, nhiều nghiên cứu cho thấy tình trạng ngáy giảm rõ rệt khi người ngáy chuyển tư thế ngủ nghiêng một bên. Một số loại áo ngủ và gối ngủ cũng được thiết kế đặc biệt để phù hợp với người ngủ nghiêng trong điều trị ngáy và ngưng thở khi ngủ.

Thừa cân

Thừa cân, béo phì cũng gây ra ngáy nhiều hơn. Nguyên nhân là do người thừa cân hoặc béo phì thường tích tụ một lượng mỡ thừa quanh cổ, làm vòng cổ to ra và chèn ép đường thở. Điều trị ngáy trong trường hợp này không gì tốt hơn tìm cách để giảm cân và từ đó giúp giảm ngáy và giảm cả ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Lão hóa

Quá trình lão hóa cũng gây ra các ngáy khi lưỡi và các cơ bao quanh đường thở bị yếu đi theo thời gian và dễ dàng bị sụp xuống khi ngủ. Điều trị ngáy trong trường hợp này, người mắc có thể đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn các bài tập chuyên dành cho miệng, lưỡi và cổ họng, qua đó làm giảm tính trạng ngáy.

Suy tuyến giáp

Khi tuyến giáp hoạt động kém, nó sẽ không sản xuất đủ hormone tuyến giáp dẫn đến sưng mặt, giọng nói khàn, nói chậm, nhịp tim chậm và ngáy.

Suy giáp thường được điều trị bằng thuốc thay thế hormone bị thiếu hụt.

Khi nào thì cần liên hệ bác sĩ?

Nếu bạn bị ngáy và có kèm thêm một số dấu hiệu đặc trưng của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn thì cần liên hệ đến bác sĩ để điều trị. Một số dấu hiệu OSA điển hình như:

  • Hiện tượng ngừng thở khi ngủ: sau những khoảng ngáy là những khoảng im lặng do ngưng thở tạm thời. Tiếp đó, sau khoảng thời gian im lặng là những âm thanh nghẹt thở, khịt mũi, thở hổn hển.
  • Thức dậy thường xuyên vào ban đêm.
  • Buồn ngủ vào ban ngày.
  • Đau đầu buổi sáng.

Thông thường người ngủ ngáy sẽ không ý thức được tình trạng của mình. Đôi khi phải nhờ những người ngủ chung giường hoặc người thân trong nhà cảnh báo cho người ngáy về tình trạng ngáy và các dấu hiệu khác của mình.

 

NguồnWhy Do People Snore? (sleepfoundation.org)

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ