Giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (Non-rapid eye movement – NREM) được các chuyên gia cho rằng có thể giúp cơ thể tự sửa chữa và phục hồi, hỗ trợ hệ miễn dịch, củng cố trí nhớ cũng như có tác động đến quá trình phát triển của cơ thể.
Bài cùng thể loại

Điều gì diễn ra trong giấc ngủ NREM?

Một chu kỳ giấc ngủ bình thường sẽ có 4 giai đoạn được chia thành 2 loại: giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh(NREM) và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh REM (rapid eye movement). Trong đó 3 giai đoạn giấc ngủ đầu tiên từ giai đoạn N1 đến N3 thuộc về giấc ngủ NREM. Giai đoạn giấc ngủ thứ 4 thuộc về giấc ngủ REM.

Giai đoạn giấc ngủ đầu tiên (N1) là giai đoạn khi bạn mới bắt đầu rơi vào giấc ngủ. Giai đoạn này chỉ kéo dài vài phút. Cơ thể bắt đầu thư giãn, sóng não, nhịp thở, nhịp tim bắt đầu chậm lại. Giai đoạn này người ngủ rất dễ bị đánh thức.

Khi hết một chu kỳ gồm 4 giai đoạngiấc ngủ, về lý thì người ngủ sẽ quay lại giai đoạn N1. Tuy nhiên với người ngủ ngon liên tục, họ sẽ không quay trở lại giai đoạn N1 mà bắt đầu từ giai đoạn 2 trở đi.

Ở giai đoạn giấc ngủ thứ hai, được gọi là giai đoạn ngủ nông, nhịp tim và nhịp thở tiếp tục chậm hơn, nhiệt độ cơ thể cũng giảm xuống. Giai đoạn này chiếm phần lớn thời lượng giấc ngủ.

Ở giai đoạn giấc ngủ N2 ghi nhận có sự xuất hiện của những đợt sóng não ngắn (Sleep spindles) giúp loại bỏ các kích thích từ bên ngoài có thể gây tỉnh giấc các đợt sóng não K – Complex, vừa giúp loại bỏ các kích thích bên ngoài để duy trì giấc ngủ lại vừa đồng thời, có tác dụng ngược lại, giúp bạn tỉnh táo khi gặp các kích thích nguy hiểm.

Ở giai đoạn N3 là giai đoạn ngủ sâu, còn được gọi là giấc ngủ sóng (não) chậm. Giai đoạn này bạn sẽ ngủ rất sâu, bất chấp mọi thứ diễn ra xung quanh. Do vậy, rất khó đánh thức một người tỉnh dậy khi họ đang trong giai đoạn giấc ngủ N3.

Cả ba giai đoạn từ N1 – N3 đều thuộc giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh. Theo các nhà khoa học, giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh NREM có sự khác biệt lớn giữa các lứa tuổi.

Ở trẻ sơ sinh, giấc ngủ của trẻ sơ sinh không phân thành những 2 loại giấc ngủ NREM hay REM như người lớn. Giấc ngủ của trẻ thường khá yên tĩnh, giấc ngủ thất thường không xác định được. Khác người lớn, giấc ngủ của trẻ sơ sinh lại bắt đầu bằng một giai đoạn giấc ngủ tương tự như giấc ngủ REM ở người lớn. Từ 3 tháng trở đi, trẻ mới hình thành giấc ngủ NREM va REM như người lớn, dù vậy chu kỳ giấc ngủ của chúng cũng ngắn hơn so với người lớn.

Đến tuổi vị thành niên, trẻ dành nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ N2 trong khi người trưởng thành lại dành nhiều thời gian hơn cho giấc ngủ N3. Ở người cao tuổi, họ ít ngủ sâu hơn và tổng thời gian ngủ ít hơn người trẻ.

 

Tầm quan trọng của giấc ngủ NREM là như thế nào?

Giấc ngủ NREM tác động đến nhiều quá trình thể chất và tinh thần của cơ thể như: củng cố trí nhớ, phát triển xương, phục hồi cơ, tái tạo mô, tăng cường hệ miễn dịch đặc biệt trong giai đoạn ngủ sâu N3.

Các nhà khoa học tin rằng, giấc ngủ NREM đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lại các thông tin tiếp nhận được, loại bỏ các thông tin không cần thiết, khắc ghi và củng cố trí nhớ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra các bằng chứng cho thấy giấc ngủ NREM giúp thúc đẩy việc học tập, truy xuất từ vựng, kinh nghiệm làm việc và khả năng nói chuyện trôi chảy.

Ở chiều ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy khi giấc ngủ NREM có vấn đề liên quan đến tuổi tác sẽ gây ra nhiều vấn đề tương ứng trong trí nhớ. Nghĩa là càng nhiều tuổi hơn, khả năng tiếp thu và ghi nhớ những kỹ năng của bạn cũng sẽ kém hơn. Nghiên cứu cho thấy  giấc ngủ sóng chậm (N3) giảm dần đến 60% khi độ tuổi tăng từ 10 lên 20 tuổi.

Ngoài ra giai đoạn giấc ngủ NREM, đặc biệt là giấc ngủ N3 còn giúp cơ thể phục hồi, tái tạo và phát triển. Do vậy nếu thiếu giấc ngủ N3 thì dù ngủ rất nhiều bạn vẫn sẽ cảm thấy mệt mỏi. Do đây là giấc ngủ sâu, nên nếu một người bị đánh thức trong giai đoạn này họ có thể rơi vào trạng thái lơ mơ, lờ đờ, bối rối do quán tính ngủ (sleep inertia) gây ra và kéo dài trong một thời gian. 

Ngoài ra các nghiên cứu cho thấy các chứng rối loạn giấc ngủ có thể can thiệp vào quá trình chuyển hóa chất béo, ảnh hưởng đến hormone tăng trưởng. Bên cạnh đó, giấc ngủ NREM còn tác động đến hệ tim mạch. Theo đó, trong giấc ngủ N3 nhịp tim giảm và huyết áp cũng giảm theo. Đây có thể là một cơ chế giúp bảo vệ tim mạch.

Do đó, ở chiều ngược lại, những người mắc các chứng rối loạn giấc ngủ điển hình như ngưng thở khi ngủ, mất ngủ mạn tính, giấc ngủ bị gián đoạn thường dẫn đến nguy cơ cao gặp các vấn đề về tim.

Sau cùng, giấc ngủ NREM có thể hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách kích hoạt một số phản ứng miễn dịch để chống nhiễm trùng. Nếu không kích hoạt hệ thống chống nhiễm trùng, giấc ngủ NREM cũng giúp hệ thần kinh giao cảm giảm căng thẳng.

Do đó, khi bị thiếu ngủ nhiều, hệ thần kinh giao cảm sẽ bị kích hoạt quá mức. Điều này có thể tác động lên hệ miễn dịch làm giảm số lượng tế bào miễn dịch và khả năng hoạt động của các tế bào này.

Các tác động tiêu cực khi giấc ngủ NREM bị gián đoạn

Các nhà nghiên cứu đã cho thấy các bất thường trong giấc ngủ NREM có thể dẫn đến nguy cơ cao mắc các bệnh như tâm thần phân liệt, động kinh, bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson và rối loạn phổ tự kỷ.

Nhìn chung, khi thiếu giấc ngủ NREM sẽ dẫn đến các tác động tiêu cực như:

  • Khả năng chú ý, tập trung giảm.
  • Khó kiểm soát cảm xúc.
  • Khó ra quyết định và khó nhớ thông tin.
  • Gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, bệnh tim và béo phì.

 

Nguồn tham khảo

What is NREM Sleep? (sleepdoctor.com)

What Is NREM Sleep? (verywellmind.com)

What Happens During NREM Sleep? | Sleep Foundation

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ