Hầu hết trong chúng ta đều cần ngủ từ 7-8 giờ mỗi ngày để đảm bảo đủ giấc. Tuy nhiên, vẫn có một số ít người ngủ chỉ cần ngủ 6 giờ hoặc ít hơn nữa mỗi ngày mà vẫn đủ giấc, vẫn sảng khoái tinh thần. Giới nghiên cứu gọi họ là những ngưởi ngủ ít (Short Sleeper).
Bài cùng thể loại

Nhiều nghiên cứu đã mang đến các bằng chứng cho thấy biến đổi gene có tác động đến hội chứng ngủ ít (Short sleeper syndrome), làm giảm nhu cầu ngủ ở những người mắc hội chứng này.

Hội chứng ngủ ít là gì?

Những người mắc hội chứng ngủ ít là những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm, dù họ có không bận bịu gì và có thời gian để ngủ nhiều hơn. Điều này có nghĩa là họ ngủ ít một cách tự nhiên, không phải do tác động của các chứng rối loạn giấc ngủ nào đó, cũng không phải do công việc thúc bách hay lối sống tác động làm giảm thời gian ngủ.

Người ngủ ít tự nhiên vẫn khỏe mạnh và đầy năng lượng. Trong khi ngược lại, những người ngủ ít do thiếu ngủ lại luôn mệt mỏi và buồn ngủ suốt cả ngày.

Hội chứng ngủ ít không gây ra bất kỳ một vấn đề sức khỏe tiêu cực nào. Hội chứng ngủ ít không phải là một dạng bệnh lý hay rối loạn giấc ngủ.

Hội chứng ngủ ít ở một người thường bắt đầu ngay từ thời niên thiếu và theo hết cuộc đời.

Những dấu hiệu của hội chứng ngủ ít

  • Thường chỉ ngủ trong khoảng từ 4-6 giờ mỗi đêm.
  • Ngủ dưới 6 giờ mỗi đêm dẫu họ có dư thời gian để ngủ nhiều hơn.
  • Không cần phải sử dụng đồng hồ để báo thức.
  • Thức dậy khỏe mạnh và tỉnh táo cả ngày dù tổng thời gian ngủ ít hơn bình thường.
  • Dễ đi vào giấc ngủ khi lên giường.
  • Một số người có thể gặp một số khó khăn khi đi ngủ và duy trì giấc ngủ.

Nguyên nhân của hội chứng ngủ ít

Giới nghiên cứu vẫn đang tiếp tục đi tìm lời giải đáp đầy đủ cho nguyên nhân của hội chứng ngủ ít. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy nó có thể liên quan đến những biến đổi gen. Các nhà khoa học tin rằng, người mang hội chứng ngủ ít có thể có những biến đổi ở gene DEC2 và ADRB1.

Chẩn đoán hội chứng ngủ ít

Một người được xác định là người ngủ ít tự nhiên khi anh ta không mệt mỏi dù thời gian ngủ ít hơn ít nhất là 25% so với người bình thường. Với người ngủ ít tự nhiên ở độ tuổi trưởng thành, số giờ ngủ thường dao động từ 4 -6 giờ ngủ mỗi đêm.

Thực tế cũng khó xác định chính xác một người có phải là ngủ ít tự nhiên hay không. Mặt khác, cũng không quá cần thiết phải chẩn đoán một cách chính thức về hội chứng ngủ ít vì chúng không gây tác động xấu nào đến sức khỏe cả.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp các bác sĩ cũng cần kiểm tra đánh giá xem liệu một người có bị hạn chế giấc ngủ là do họ ngủ ít tự nhiên hay do một vấn đề sức khỏe sức khỏe nào đó liên quan đến sự thiếu ngủ. Trong trường hợp này các bác sĩ có thể đặt một số câu hỏi hoặc thực hiện nghiên cứu đa ký giấc ngủ để tầm soát các rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn khác.

Điều trị

Hội chứng ngủ ít không cần phải điều trị vì chúng không gây một tác hại nào. Tuy nhiên, nếu bạn ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm và bị gián đoạn giấc ngủ hoặc buồn ngủ ban ngày thì bạn nên trao đổi với bác sĩ để xác định lại xem liệu bạn có phải là một người ngủ ít tự nhiên thật sự hay không. Nếu không phải người ngủ ít tự nhiên, bạn cần can thiệp y tế để cải thiện giấc ngủ của mình.

Các phương pháp tập luyện dành cho người ngủ ít tự nhiên

  • Lên kế hoạch và thực hành lịch ngủ thức đều đặn, đúng giờ để gia tăng chất lượng giấc ngủ.
  • Tiếp xúc nhiều với ánh sáng trời giúp hình thành nhịp sinh học lành mạnh, hỗ trợ tốt cho chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng quát nói chung.
  • Ngăn ngừa các tác động làm gián đoạn giấc ngủ ban đêm. Cũng giống như mọi người, người ngủ ít tự nhiên vẫn có thể bị gián đoạn giấc ngủ do các tác động ngoại cảnh. Thời gian ngủ ít hờn bình thường nên cần đảm bảo chất lượng giấc ngủ. Hãy bố trí không gian ngủ sao cho thuận tiện, thoải mái, giảm tiếng ồn và ánh sáng.
  • Tránh rượu bia và các chất có cồn trước khi đi ngủ. Uống rượu bia trước khi đi ngủ có thể giúp bạn ngủ nhanh hơn và ngủ sâu trong nửa đầu của giấc ngủ, nhưng lại làm bạn thức giấc sớm hoặc khó ngủ ở nửa sau của giấc ngủ.

Các dấu hiệu cần lưu tâm khi ngủ ít

Nếu bạn có một số dấu hiệu sau đây diễn ra thường xuyên, cần trao đổi với bác sĩ để có những can thiệp cần thiết và cải thiện giấc ngủ của mình:

  • Thức dậy uể oải, mệt mỏi và không sảng khoái.
  • Cảm giác buồn ngủ và không tỉnh táo thường xuyên trong ngày.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn, tỉnh giấc không mong muốn vào ban đêm.
  • Ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm trong tuần nhưng lại ngủ nhiều hơn vào cuối tuần hoặc các dịp lễ tết.

 

Nguồn tham khảo

Short Sleeper Syndrome: What It Is, Symptoms & Treatment (clevelandclinic.org)

Short Sleeper Syndrome: Symptoms, Causes, and Treatments | Sleep Foundation

Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ