Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một thiết bị đầu giường, cung áp một áp lực đường thở dương, được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và một số vấn đề hô hấp khác.
Bài cùng thể loại

Máy CPAP là gì?

Những người mắc chứng rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ thường được chỉ định điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương (Positive airway pressure – PAP). Trong đó, phương pháp thở áp lực dương liên tục (Continuous positive airway pressure  - CPAP) là phổ biến nhất.

Máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một thiết bị đầu giường, cung áp một áp lực đường thở dương, được sử dụng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) và một số vấn đề hô hấp khác.

Người mắc chứng OSA như đã biết, bị hẹp đường thở hoặc tắc nghẽn hoàn toàn đường thở trong một khoảng ngắn trong khi ngủ. Hiện tượng này lập đi lập lại nhiều lần trong đêm. Hậu quả là họ ngáy to, thức giấc nhiều lần vào ban đêm và mệt mỏi vào ban ngày cũng như nhiều hệ lụy tiêu cực khác cho sức khỏe.

Máy CPAP cũng có thể được dùng để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương (CSA), một dạng khác của chứng ngưng thở khi ngủ, ít phổ biến hơn so với OSA, nằm trong nhóm rối loạn hô hấp liên quan đến giấc ngủ. Với người mắc CSA, hơi thở bị giảm, thở nông hoặc bị gián đoạn xuất phát từ sự đứt kết nối giữa não bộ và các cơ phụ trách hô hấp.

Để làm giảm các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ, máy CPAP đẩy không khí vào đường thở của người điều trị và giữ cho đường thở luôn rộng mở.

Máy CPAP và các dòng máy trợ thở liên quan hoạt động thế nào?

Các dòng máy trị liệu theo phương pháp thở áp lực dương PAP nói chung thường sử dụng đơn vị centimet nước (cmH2O) để đo áp suất. Các dòng máy khác nhau thì cũng khác nhau về mức áp suất, khả năng điều chỉnh áp suất và kích thước. Các máy CPAP điều trị thường được cài đặt mức áp suất từ 4 -20 cmH2O. Nhiều người chẩn đoán OSA được điều trị trong khung từ 8 – 10 cmH2O.

Máy CPAP

Máy CPAP vận hành bằng cách đẩy luồng không khí qua một đường ống để vào mũi, miệng hoặc cả hai của người sử dụng. Luồng không khí này tạo áp lực lên đường thở và giữ cho đường thở không bị thu hẹp lại hoặc không bị đóng kín. Với máy CPAP truyền thống, không khí được đẩy vào đường thở bằng một áp lực cố định và liên tục.

Máy CPAP còn có một phiên bản khác là máy CPAP du lịch với thiết kế nhỏ gọn, nhẹ và khả năng di động cao. Một số mẫu được chấp thuận để mang lên và sử dụng trên máy bay.

Máy APAP

Bên cạnh CPAP, còn có dòng máy thở áp lực dương liên tục tự động chuẩn độ (Auto-titrating CPAP - APAP) có khả năng tự điều chỉnh áp lực dòng khí. So với máy CPAP cung cấp một áp lực không khí ổn định và liên tục ở mọi thời điểm, máy thở áp lực dương liên tục tự động điều chỉnh áp lực (APAP) có khả năng nhận biết được khi nào đường thở của một người bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn để gia tăng áp lực không khí, giúp mở đường thở trở lại. Nói chung, máy APAP có khả năng tự động điều chỉnh áp lực tùy theo cách thở của từng người.

Tính bình quân, máy  APAP cung cấp không khí ở một áp lực thấp hơn so với máy CPAP. Do vậy, nhiều người điều trị cảm giác dễ chịu với máy APAP hơn là máy CPAP, đặc biệt với những người cần có sự thay đổi áp lực không khí giữa các tư thế ngủ.

Biểu đồ áp lực các dòng máy thở áp lực dương liên tục

Máy BPAP

Trong khi đó máy thở áp lực dương  2 mức (Bilevel positive airway pressure - BPAP) hoạt động dựa trên cơ chế cung cấp không khí ở các mức áp suất khác nhau, tùy thuộc vào việc người sử dụng hít vào hay thở ra. Cụ thể, áp suất của dòng không khí mà máy cung cấp sẽ tăng cao hơn khi người sử dụng hít vào và giảm xuống mức thấp hơn khi họ thở ra. Máy BPAP thường có dãy áp suất rộng hơn, có thể đạt đến 30 cmH2O.

Một số máy BPAP có khả năng tự động thay đổi mức áp lực (Auto BPAP) dòng không khí một cách hợp lý để giảm nhịp thờ bất thường dựa trên khả năng đánh giá của thiết bị về tình trạng hô hấp của người sử dụng, tương tự như một máy APAP.

Máy ASV

Ngoài ra, còn phải kể thêm dòng máy trợ thở thích ứng (Adaptive servo-ventilation – ASV). Những người với chứng ngưng thở trung ương, thường được áp dụng điều trị bằng loại máy này.

Các dòng máy CPAP lại thiếu hiệu quả trong việc giảm các nhịp thở bất thường trong điều trị CSA. Trong khi đó, máy trợ thở ASV có khả năng thổi các luồng không khí với các mức áp suất khác nhau, tùy thuộc vào việc người bệnh hít vào hay thở ra, tương tự một máy BPAP. Bên cạnh đó máy ASV còn có khả năng đẩy luồng không khí với mức áp lực được cài đặt sẵn từ trước khi máy phát hiện người bệnh có hiện tượng ngưng thở. Do đó, máy ASV thường được ưu tiên trong điều trị CSA.

Cũng giống như máy APAP hayAuto BPAP, máy ASV cũng được trang bị công nghệ tự động điều chỉnh dựa trên khả năng phân tích lượng không khí cần thiết để giữ cho đường thở vẫn mở sau khi người bệnh thở ra.

Thành phần của một máy CPAP

Dù các máy CPAP có khác nhau đôi chút tùy thuộc vào nhà chế tạo, tuy nhiên chúng cũng bao gồm một số thành phần cơ bản như sau:

  • Mặt nạ: áp vào mũi, miệng hoặc cả miệng và mũi của người ngủ. Mặt nạ này áp vào mặt, bịt đủ kín để dẫn luồng không khí với một áp suất nhất định đi vào miệng và mũi mà không bị thoát ra ngoài. Dây đeo mặt nạgiúp mặt nạ ở đúng vị trí của nó trong suốt quá trình ngủ.
  • Ống dẫn không khí: Ống dẫn không khí nối mặt nạ với máy CPAP. Không khí di chuyển từ máy CPAP qua ống dẫn đến mặt nạ và vào đường thở.
  • Máy chính: thổi không khí vào ống dẫn. Hầu hết máy CPAP có bộ lọc không khí, một số máy có trang bị thêm bộ phận tạo độ ẩm, có sưởi ấm không khí. Phần lớn máy CPAP phải cắm vào ổ điện. Một số máy chạy bằng pin.

Các loại mặt nạ CPAP

Chọn máy PAP nào phù hợp với bạn?

Một cách tổng quát, khác biệt lớn nhất của các dòng máy PAP bao gồm CPAP, APAP, BPAP nằm ở chế độ áp lực không khí mà máy cung cấp. Máy CPAP và CPAP du lịch cung cấp dòng không khí với áp lực cố định không đổi, là dạng máy thở 1 mức áp lực. Máy APAP có thể tự điều chỉnh áp lực không khí tùy theo cách thở của người sử dụng. Máy BPAP là máy thở 2 mức áp lực, có thể điều chỉnh khác nhau tùy vào nhịp hít vào hay thở ra.

Nhìn chung, máy CPAP là thiết bị được chỉ định đầu tiên để điều trị chứng OSA. Những người không thích ứng được với máy CPAP có thể lựa chọn máy APAP và BPAP để thay thế. Máy BPAP được chỉ định để cho cả chứng OSA lẫn các chứng rối loạn hô hấp khác.

Máy CPAP có thể khó chịu với một số người, tuy nhiên giá thành tương đối dễ chịu hơn. Các dòng máy APAP, BPAP và máy ASV có các đặc điểm vượt trội hơn nhưng giá thành lại cũng vì vậy mà cao hơn.

Máy ASV có thể điều điều trị các chứng ngưng thở khi ngủ, kể cả ngưng thở trung ương, từ trung bình đến nặng. Tuy nhiên máy ASV dù có giá thành cao, cũng không phù hợp với mọi trường hợp.

Có thể hoán đổi phụ kiện các dòng máy cho nhau được không?

Hầu hết các phụ kiện của các dòng máy PAP nói chung có thể hoán đổi cho nhau, nhưng cũng cần kiểm tra mức độ tương thích giữa chúng.

Ví dụ các mặt nạ máy PAP đều tương thích chung, nên có thể dễ dàng hoạt động với mọi máy CPAP, APAP, BPAP. Tuy nhiên cũng có một số máy chỉ dùng được với một số loại mặt nạ nhất định. Tương tự, các ống dẫn khí tiêu chuẩn 19 mm có thể tương thích với đa phần các dòng máy, nhưng cũng có một số kiểu máy chỉ tương thích với ống 15 mm.

 

Nguồn tham khảo

CPAP Machines: An Overview and Tips for Use | Sleep Foundation

What Are the Different Types of CPAP Machines? | Sleep Foundation

 

Khi nào cần nghiên cứu định chuẩn áp lực máy CPAP?
Khi được chỉ định sử dụng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) để điều trị ngưng thở khi ngủ, nhiều trường hợp phải tiến hành một một nghiên cứu để định chuẩn áp lực máy CPAP (CPAP Titration Sleep Study) cho phù hợp với người dùng. Vậy một nghiên cứu định chuẩn áp lực là gì và được tiến hành như thế nào?

Sử dụng máy CPAP : lợi ích và tác dụng phụ
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng máy CPAP để điều trị các chứng ngưng thở mang lại đồng thời nhiều lợi ích cũng như cả những tác dụng phụ.
Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ