Thừa cân, béo phì và ngưng thở khi ngủ có mối quan hệ qua lại khá phức tạp. Thừa cân không những có thể gây ra ngưng thở khi ngủ mà còn có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và các tác động bất lợi cho sức khỏe
Bài cùng thể loại

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giấc ngủ kém chất lượng, ngủ không đủ giấc cũng có thể làm tăng cân tạo thành một vòng lẩn quẩn.

Tại sao thừa cân có thể gây ra ngưng thở khi ngủ?

Dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến ngưng thở khi ngủ, nhưng thống kê cho thấy ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) lại xuất hiện nhiều ở những người thừa cân hoặc béo phì.

Thừa cân tạo ra một lượng mỡ tích tụ quanh cổ, được gọi là mỡ họng. Lượng mỡ họng này có thể làm hẹp hoặc làm tắc nghẽn đường thở của một người trong lúc ngủ khi các cơ bao quanh cổ họng rơi vào trạng thái thư giãn. Lúc này không khí bị ép đi qua đường thở đã bị thu hẹp lại và tạo ra âm thanh là tiếng ngáy. Ngáy là triệu chứng chính của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, vòng bụng tăng thêm do mỡ thừa có thể nén lồng ngực lại, làm giảm thể tích phổi. Điều này tiếp tục làm hơi thở nông và giảm lượng không khí vào phổi khiến đường hô hấp trên dễ bị xẹp lại khi ngủ. Nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn cũng gia tăng ở những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng cao. Đây là chỉ số đo lượng mỡ trong cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng. Bình quân một người cứ tăng 10% cân nặng cơ thể thì nguy cơ mắc OSA tăng thêm 6 lần.

Ngoài ra, có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến ngưng thở khi ngủ như amidan to, cổ to, cổ họng bị thu hẹp, các rối loạn nội tiết như tiểu đường hay bệnh về tuyến giáp, trào ngược axit, bệnh tim và phổi. Tuy nhiên, thưc tế có đến 60-90% người mắc OSA bị thừa cân.

Ngưng thở khi ngủ có làm tăng cân nặng hay không?

Nhiều bằng chứng cho thấy thừa cân và OSA có mối quan hệ qua lại với nhau. Khi thiếu ngủ cơ thể sẽ giảm tiết ra Leptin (một loại hormone ức chế sự thèm ăn) và gia tăng Ghrelin (một loại hormone kích thích ăn uống) làm gia tăng nhu cầu ăn các thực phẩm giàu calo. Nhiều dữ liệu khác cũng chỉ ra rằng giấc ngủ không đầy đủ có thể dẫn tới ăn uống quá nhiều, béo phì.

Những người mắc OSA cũng có xu hướng dễ bị tăng cân hơn những người có cùng chỉ số BMI nhưng không mắc OSA. Một nghiên cứu cũng cho thấy những người mắc OSA cũng tăng cân nhiều hơn trong năm được chẩn đoán mắc OSA so với người không mắc.

Ngưng thở khi ngủ cũng làm cạn kiệt năng lượng cần thiết để duy trì cơ thể khỏe mạnh. Ngưng thở khi ngủ ban đêm khiến người mắc mệt mỏi vào ban ngày khiến họ ít nỗ lực thực hiện các hoạt động thể chất, thể dục thể thao hơn. Điều này còn đặc biệt khó khăn với những người béo phì khi họ thường xuyên bị khó thở và khó chịu ở ngực khi gắng sức. Tình trạng giảm các hoạt động thể chất ở người mắc ngưng thở khi ngủ, nếu không có một chế độ ăn uống phù hợp, sẽ làm họ tiếp tục tăng thêm cân.

Các nguy cơ về sức khỏe với ngưới mắc ngưng thở khi ngủ và béo phì

Ngưng thở khi ngủ và sức khỏe tim mạch

Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến toàn hệ thống tim mạch theo nhiều cách. Mỗi khi hiện tượng ngưng thở diễn ra, nguồn cung oxy cho cơ thể bị sụt giảm, từ đó làm kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Đây là cơ chế mà cơ thể con người phản ứng trước các tình huống căng thẳng hoặc nguy hiểm.

Khi hệ thần kinh giao cảm được kích hoạt, huyết áp và nhịp tim đều tăng mạnh để đánh thức người ngủ thức dậy để mở lại đường thở, qua đó bổ sung lượng oxy cần thiết trở lại cho cơ thể. Hiện tượng này lặp lại nhiều lần trong đêm. Nồng độ oxy trong máu tăng – giảm liên tục về lâu dài có thể gây ra viêm dẫn đến xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và huyết áp cao.

Ngưng thở khi ngủ cũng làm gia tăng nồng độ carbon dioxide và lượng đường trong máu, ngăn cản hệ thần kinh kiểm soát nhịp tim và lưu lượng máu, cũng như tăng nguy cơ kháng insulin và thay đổi dòng chảy của oxy và carbon dioxide. Do đó, ngưng thở khi ngủ có thể dẫn đến nhiều loại bệnh tật như:

  • Huyết áp cao.
  • Rung tâm nhĩ và các rối loạn nhịp tim khác.
  • Suy tim.
  • Đột quỵ và các cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
  • Bệnh tim mạch vành.
  • Bệnh tiểu đường loại 2.
  • Hội chứng chuyển hóa (béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu).

Hội chứng giảm thông khí béo phì và ngưng thở khi ngủ

Người mắc hội chứng giảm thông khí béo phì (Obesity Hypoventilation Syndrome- OHS) thường cũng đồng thời mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Với người mắc OHS, sự thừa cân tạo áp lực lớn lên thành ngực và làm phổi bị nén lại, từ đó cản trở khả năng hít thở sâu và duy trì nhịp thở đều đặn. Có đến 90% người mắc OHS có các triệu chứng của OSA. Tuy nhiên không phải ai mắc OSA cũng có các triệu chứng của OHS.

Nguy cơ mắc OHS liên quan khá chặt chẽ với chỉ số khối cơ thể BMI, với tỷ lệ mắc OHS tăng 50% ở những người có BMI lớn hơn 50. Cũng giống như OSA, OHS cũng làm giảm nồng độ oxy và gia tăng nồng độ carbon dioxide trong máu, có thể dẫn đến suy tim, huyết áp cao. Người mắc cả OSA lẫn OHS đều có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch. Hơn thế nữa, người mắc OSA đồng thời với mắc OHS ở mức độ nghiêm trọng sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn.

Sơ đồ minh họa đường thở trên bị xẹp hoặc tắc nghẽn trong chứng ngưng thở khi ngủ

 

Giảm cân có thể giúp chữa trị dứt điểm ngưng thở khi ngủ hay không?

Giảm cân sẽ giúp giảm lượng mỡ tích tụ quanh cổ và lưỡi, giúp mở rộng đường thở tốt hơn. Giảm cân cũng sẽ giúp làm giảm mỡ bụng, tăng thể tích phổi, cải thiện lực thở và hạn chế khả năng đường thở bị xẹp xuống trong khi ngủ.

Giảm cân cũng làm giảm các triệu chứng như buồn ngủ vào ban ngày. Ngoài ra nó cũng giúp làm giảm sự cáu gắt và các rối loạn chức năng thần kinh, cải thiện sức khỏe tim mạch, huyết áp, tình trạng kháng insulin, tiểu đường loại 2 và cải thiện chất lượng sống.

Khi giảm từ 10-15% cân nặng có thể giúp làm nhẹ đi bệnh tình đến 50% ở những người mắc OSA ở mức trung bình. Tuy nhiên, giảm cân vẫn không thể giúp chữa dứt điểm các triệu chứng của ngưng thở khi ngủ nói chung. Bệnh nhân cần áp dụng thêm đồng thời một số phương pháp điều trị khác.

Điều trị ngưng thở khi ngủ có giúp làm giảm cân hay không?

Nhiều bằng chứng cho thấy người mắc ngưng thở khi ngủ khi được điều trị tốt sẽ giúp giảm cân hiệu quả. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, hormone Ghrelin (kích thích ăn uống) được tiết ra nhiều hơn ở người mắc OSA so với người không mắc. Tuy nhiên, sau 2 ngày sử dụng máy hỗ trợ hô hấp CPAP, lượng Ghrelin tiết ra ở người mắc OSA đã tụt xuống mức gần tương đương người không mắc.

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã ghi nhận nhiều trường hợp khi điều trị ngưng thở khi ngủ bằng máy CPAP trong dài hạn lại có thể làm tăng cân. Do vậy, không nên chỉ sử dụng máy CPAP hoặc một phương pháp điều trị ngưng thở khi ngủ nào đó làm cách duy nhất để giảm cân.

 

Nguồn bài viết

How Weight Affects Sleep Apnea (sleepfoundation.org)

Ngưng thở khi ngủ ở trẻ em
Rối loạn ngưng thở khi ngủ khá phổ biến với ước đoán khoảng 1 tỷ người mắc trên toàn thế giới. Ở trẻ em, tỷ lệ mắc ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn khoảng từ 1-5% ở tất cả các độ tuổi từ giai đoạn trẻ sơ sinh cho đến tuổi thiếu niên. Trong đó, phổ biến nhất là trong độ tuổi từ 2-6 tuổi.

Ngưng thở khi ngủ và tình dục
Nhiều bệnh nhân được chẩn đoán hoặc đang điều trị ngưng thở khi ngủ tỏ ra lo lắng về khả năng tình dục của mình. Liệu rối loạn ngưng thở khi ngủ có khả năng tác động đến hoạt động tình dục của người mắc hay không? Dưới đây là một số lời giải đáp.

Ngưng thở khi ngủ: mối nguy thầm lặng với lái xe.
Đối với một số người vận hành máy móc hoặc lái xe, vấn đề buồn ngủ khi vận hành những thiết bị như vậy, cực kỳ nguy hiểm, tài xế có thể gây ra tai nạn; công nhân vận hành máy móc thì tai nạn lao động xảy ra do tình trạng buồn ngủ.

Ngưng thở khi ngủ và tiểu đêm
Với hầu hết mọi người, tiểu đêm thường xuyên là một cảm giác rất khó chịu và làm suy giảm đáng kể chất lượng giấc ngủ. Nhiều bằng chứng cho thấy rối loạn ngưng thở khi ngủ thường tồn tại chung với tiểu đêm và có tác động qua lại lẫn nhau.

Ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ: nguy hiểm nhưng ít ai hay
Trên toàn thế giới, chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ tác động đến khoảng 1 tỷ người trưởng thành nhưng ít ai biết do nó xảy ra trong lúc ngủ và phải mất rất nhiều thời gian để người mắc phải nhận ra và chữa trị.

Ngưng thở khi ngủ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch
Rối loạn ngưng thở khi ngủ có liên quan đến rất nhiều biến chứng, trong đó đặc biệt là các biến chứng về tim mạch như: bệnh tim mạch vành, suy tim, đột quỵ và nhịp tim không đều.

Ngưng thở khi ngủ và tai nạn giao thông
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng buồn ngủ ban ngày quá mức, cùng với đó là suy yếu khả năng nhận thức, từ đó làm suy giảm khả năng lái xe an toàn.

Chỉ số AHI là gì?
Nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ do tắc nghẽn và đi khám bệnh, bác sĩ có thể cho bạn làm một số xét nghiệm hoặc đo đa ký giấc ngủ để chẩn đoán bệnh. Trong kết quả đo đa ký giấc ngủ hoặc đa ký hô hấp chẩn đoán sẽ có một thông số chỉ số gọi là AHI. Bạn có thể sẽ thắc mắc AHI là gì?

Ngưng thở khi ngủ: biến chứng và điều trị
Ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần với nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngưng thở khi ngủ làm giảm chất lượng giấc ngủ, ảnh hưởng đến mực độ oxy trong cơ thể.

Ngưng thở khi ngủ là gì?
Ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến, đặc trưng bởi hơi thở bất thường trong quá trình ngủ.

Ngưng thở khi ngủ và các bệnh đồng mắc
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan cũng như một số tác động qua lại giữa chứng ngưng thở khi ngủ và môt số bệnh đồng mắc như: béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ và hen suyễn.
Xem nhiều
Bản quyền © 2024 Bác sĩ giấc ngủ