Theo ước tính, có khoảng 80% số người mắc ngưng thở khi ngủ dạng nhẹ không được phát hiện. Điều này có nghĩa là rất nhiều người đang sống cùng với các hệ quả của ngưng thở khi ngủ mà không hay biết.
Bệnh tim mạch là một trong những bệnh gây tử vong cao tại nhiều quốc gia. Bệnh có nguy cơ cao ở những người có các chế độ ăn uống không tốt, không tập thể dục, uống rượu bia, hút thuốc lá… Ngoài ra, một số tình trạng sức khỏe khác cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp.
Rối loạn ngưng thở khi ngủ cũng là một tác nhân góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch. Ước tính người bệnh mắc ngưng thở khi ngủ có khả năng bị nhịp tim không đều cao hơn từ 2-4 lần so với người bình thường. Ngưng thở khi ngủ còn làm gia tăng đến 140% nguy cơ mắc suy tim và 30% mắc bệnh tim mạch vành.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng béo phì là một yếu tố quan trọng gây ra cả ngưng thở khi ngủ lẫn các bệnh về tim mạch. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng ngưng thở khi ngủ tự thân nó, dù có hay không có béo phì, đều có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngưng thở khi ngủ và béo phì là 2 yếu tố độc lập có thể cùng gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe nói chung như: tăng huyết áp, tiểu đường.
Béo phì là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra ngưng thở khi ngủ. Béo phì làm tăng lượng mỡ thừa tích tụ quanh cổ từ đó làm hẹp hoặc nghẽn đường thở trên. Nghiên cứu cho thấy cứ tăng trọng lượng cơ thể lên 10% thì nguy cơ mắc ngưng thở khi ngủ tăng thêm gấp 6 lần.
Thống kê cho thấy có từ 60-90% người mắc ngưng thở khi ngủ cũng đồng thời bị béo phì. Trong khi đó, chỉ có 30% những người béo phì mắc ngưng thở khi ngủ.
Một trong các tác dụng của giấc ngủ là giúp cơ thể nghỉ ngơi và phục hồi. Trong phần lớn thời gian của một giấc ngủ bình thường, huyết áp và nhịp tim đều giảm trong khi phổi hoạt động ổn định và đều đặn.
Khi giấc ngủ bị gián đoạn, phân mảnh hoặc ngủ không đủ giấc, thường gặp ở những bệnh nhân mắc ngưng thở khi ngủ, quả tim và hệ tim mạch sẽ không có được thời gian để phục hồi. Sự thiếu ngủ dai dẳng có thể dẫn đến cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ và đau tim.
Ngưng thở khi ngủ là một chứng rối loạn giấc ngủ mà trong đó một người liên tục ngừng thở, giảm thở trong khi ngủ. Đường thở bị thu hẹp hoặc bị chặn lại sẽ hạn chế không khí đi vào phổi, gây thiếu oxy. Hệ quả là người mắc phải thức giấc để thở trở lại, tuy nhiên thường là họ không hay biết. Dấu hiệu bên ngoài dễ nhận thấy là người mắc ngáy to hoặc thở hổn hển. Ngưng thở khi ngủ làm giấc ngủ người mắc bị phân mảnh và không đầy đủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ được phân loại ra thành nhiều loại, trong đó có 2 chứng khá phổ biến là Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (Obstructive Sleep Apnea – OSA) và ngưng thở khi ngủ trung ương (Central sleep apnea - CSA).
Sự gián đoạn hơi thở này lặp đi lặp lại này sẽ làm căng thẳng và có khả năng gây tổn thương quả tim và cả hệ tim mạch. Nhiều nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục để tìm hiểu cơ chế tác động của ngưng thở khi ngủ và tim mạch. Tuy nhiên, trước mắt một số lý giải được các chuyên gia đề xuất.
Kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm
Khi một người đang ngủ bị ngưng, giảm thở, lượng oxy trong máu cũng giảm theo. Khi cơ thể thiếu oxy, các tế bào đặc biệt gọi là thụ thể hóa học sẽ ghi nhận sự thay đổi này và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm. Hệ thần kinh giao cảm, vốn có chức năng để đối phó với các tình huống căng thẳng và nguy hiểm, lúc này sẽ kích hoạt cơ thể thở hổn hển để lấy lại oxy. Đôi khi cơ chế này cũng làm người mắc ngưng thở khi ngủ tỉnh giấc.
Bên cạnh đó, hệ thần kinh giao cảm cũng đồng thời phản ứng bằng cách co mạch máu lại, gia tăng nhịp tim và gia tăng huyết áp. Những lần ngưng, giảm thở diễn ra liên tục trong đêm, lặp lại nhiều lần sau cùng sẽ làm thay đổi huyết áp của người bị ngưng thở khi ngủ, dẫn đến chứng tăng huyết áp hoặc làm trầm trọng thêm bệnh cao huyết áp đang có.
Thay đổi áp lực lồng ngực
Khi một người bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) nỗ lực để thở trở lại, không khí sẽ được hít vào qua đường thở trên lúc này đang bị hẹp lại hoặc tắc nghẽn. Hậu quả là những lần cố gắng hít không khí vào nhưng không thành công gây ra những thay đổi lớn về áp suất trong khoang ngực. Áp lực khoang ngực thay đổi lặp đi lặp lại nhiều lần như thế có thể gây tổn hại tim.
Ngoài ra áp lực lồng ngực thay đổi nhiều lẫn có thể dẫn đến rung tâm nhĩ, thay đổi lưu lượng máu đến tim hoặc thậm chí suy tim.
Căng thẳng oxy hóa
Sau mỗi lần ngưng thở và thiếu oxy, người mắc ngưng thở khi ngủ sẽ nỗ lực thở trở lại và mang nhiều oxy hơn vào phổi, máu và các tế bào. Sự thay đổi liên tục nồng độ oxy có thể gây ra tình trạng căng thẳng oxy hóa cho cơ thể (Oxidative Stress), từ đó có thể dẫn đến viêm toàn thân và nguy cơ cao mắc các bệnh về tim.
Nhìn chung, các chứng ngưng thở khi ngủ nếu không được điều trị đều có hệ quả tiêu cực lên hệ tim mạch. Do đó, bạn nên gặp bác sĩ khi thấy một số dấu hiệu điển hình của ngưng thở khi ngủ như: ngáy, ngưng hoặc giảm thở khi ngủ, buồn ngủ và mệt mỏi vào ban ngày, khô miệng, nhức đầu, khó tập trung, giảm ham muốn tình dục và thường tiểu đêm. Nhiều dấu hiệu ở đây diễn ra trong lúc bạn đang ngủ, do vậy bạn cần nhờ người ngủ chung hoặc người nhà quan sát và ghi nhận giúp.
Hiện nay có thể dễ dàng chẩn đoán và điều trị ngưng thở khi ngủ bằng nhiều cách, tùy vào loại ngưng thở khi ngủ mà bạn mắc phải cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh ở mức nào. Một số phương pháp phổ biến được áp dụng như: xây dựng lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá, giảm cân, sử dụng máy trợ thở áp lực dương (PAP), sử dụng các ống ngậm hoặc dụng cụ miệng, thực hiện các bài tập cho cổ và miệng và sau cùng là phẫu thuật.
Nguồn tham khảo
Is Sleep Apnea Connected to Heart Disease? | Sleep Foundation